“Top 10 Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022 gọi tên cô gái vừa thể hiện môn thể thao bắn cung trong phần thi vừa rồi. Xin chúc mừng Lê Xuân Anh, SBD 191”.
Khi MC Đức Bảo vừa dứt lời, không ít người hâm mộ theo dõi chung kết Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022 bất ngờ bởi kết quả nằm ngoài dự đoán. Không dừng lại ở đó, hot TikToker Lê Bống (Lê Xuân Anh) còn nhận giải Người đẹp Nhân ái tại cuộc thi. Việc một cô gái nổi tiếng trên mạng xã hội, vướng không ít thị phi, tai tiếng rồi “tẩy trắng” bằng cách tham gia các cuộc thi nhan sắc, lấn sân sang showbiz khiến công chúng lo ngại.
Lê Bống không phải trường hợp hi hữu. Trước cô, hàng loạt TikToker khác như Ngô Đình Nam, CiiN, Mỹ Mỹ, Choco Trúc Phương, Luke D, Long Chun, Đạt Villa... cũng “đổi nghề” bằng cách thử sức với âm nhạc, ra MV...
Làn sóng TikToker tấn công showbiz Việt đang ngày càng phổ biến. Về sâu xa, trào lưu này phá vỡ quy chuẩn hiện tại của nền giải trí nội địa vốn được xây dựng nhờ các nghệ sĩ và những người làm giải trí thông qua kỹ năng hát, diễn...
TikToker làm ca sĩ, tham gia game show
Khoảng hai năm trở lại đây, việc một TikToker có lượng subscribe (theo dõi) lớn trên mạng xã hội thông báo phát hành MV, đóng phim hoặc tuyên bố lấn sân showbiz trong một ngày đẹp trời, không phải là chuyện hiếm gặp ở giới giải trí Việt.
Nhờ thế mạnh về độ nổi tiếng trên mạng xã hội cùng khả năng nắm bắt được tâm lý khán giả, một số sản phẩm âm nhạc của các ngôi sao mạng có độ viral, lan tỏa rộng rãi. Điểm dễ nhận thấy trong hầu hết ca khúc do TikToker thực hiện đều đơn giản, phần nhạc lấn át để che khuyết điểm về giọng hát yếu, thiếu kỹ thuật thanh nhạc cơ bản. Trên YouTube, những MV này có lượt xem khá thấp song trên TikTok, sản phẩm lại có độ lan tỏa lớn.
T
ikToker ra mắt MV, lấn sân làm ca sĩ. Ảnh: NVCC.
Các TikToker còn biết cách khuấy động sản phẩm bằng cách tạo ra những thử thách như cover ca khúc, reaction, nhảy theo MV… Tuy nhiên, “tuổi thọ” của các MV này đều ngắn ngủi. Một số TikToker chỉ phát hành một ca khúc rồi im ắng và không có ý định trở lại thực hiện sản phẩm âm nhạc thứ hai.
Cũng có những trường hợp khác, dù chỉ ra mắt một sản phẩm nhưng đã tự xưng là ca sĩ và lấn sân showbiz bằng cách tham gia game show, dự sự kiện, đóng quảng cáo, chạy truyền thông. Nhiều chương trình truyền hình nhẵn mặt những ngôi sao mạng. Ở đó, họ xuất hiện như một nghệ sĩ, giao lưu, tương tác và khuấy động game show theo cách một TikToker thường làm trên kênh cá nhân của họ.
Nhiều nhà sản xuất các chương trình truyền hình hiện nay nhanh chóng nắm bắt xu thế của truyền thông, thị trường giải trí. Khi sự tham gia của các TikToker thúc đẩy lượng rating và tương tác trên mạng xã hội trở nên phổ biến, nhiều công ty, đơn vị tổ chức đều muốn mời ngôi sao mạng góp mặt trong show của họ.
Đây là cuộc chơi mà hai bên đều có lợi. Chương trình được nhận diện tốt hơn trên một nền tảng đang có tương tác, còn các TikToker được lên truyền hình. Điều mà khi chưa trở thành TikToker nổi tiếng, chắc chắn họ không dám nghĩ tới.
Hệ lụy khi TikToker tấn công showbiz Việt
Sự nổi tiếng nhanh chóng và dễ dãi khiến nhiều TikToker bị ảo tưởng về tài năng, vị thế của mình. Nhiều ngôi sao mạng khi tham gia game show bị chỉ trích bởi hành động kém duyên, thiếu hiểu biết về kiến thức xã hội. Lúc dự sự kiện, họ chỉ tập trung quay clip nhảy nhót, giới thiệu bản thân, livestream, ảnh hưởng không nhỏ tới những nghệ sĩ khách mời khác.
Năm 2020, khi tham gia game show Nhanh như chớp, bộ ba Lê Bống, Trà Đặng và Long Chun từng nhận không ít "gạch đá" của cư dân mạng khi gây ồn ào, liên tục nhắc bài đồng đội và phá vỡ format của chương trình. TikToker Lê Bống thậm chí còn bị chỉ trích bởi cách ăn mặc hở hang, không phù hợp với chương trình truyền hình.
Bộ ba Lê Bống, Trà Đặng và Long Chun gây ồn ào ở game show Nhanh như chớp. Ảnh: BTC.
Không dừng lại ở việc tham gia game show, một số TikToker cũng trở thành gương mặt trong các cuộc thi sắc đẹp. Gần nhất, tại Miss Fitness Vietnam 2022 (Hoa hậu Thể thao Việt Nam), hai TikToker có tiếng gồm Lê Bống và Trần Thanh Tâm (biệt danh: Hot girl trứng rán) trở thành 2 trong 30 cô gái có mặt trong đêm chung kết.
Ngay từ những vòng ngoài, Lê Bống và Thanh Tâm luôn là "lá bài truyền thông" của ban tổ chức. Tuy nhiên, cả hai đều lộ nhiều hạn chế về kỹ năng catwalk, trình diễn.
Trong một tập chương trình truyền hình thực tế của Miss Fitness Vietnam 2022, khi là thí sinh thuộc đội Kỳ Duyên, hot TikToker Thanh Tâm đưa ý kiến: "Mọi huấn luyện viên đều luôn văn minh. Quan trọng là văn minh real (thật - PV) hay không, hay văn minh theo kiểu thảo mai". Phát ngôn của thí sinh đối với huấn luyện viên sau đó nhận chỉ trích từ cộng đồng mạng.
Về phía Lê Bống, dù đang là thí sinh của cuộc thi, cô vẫn gây ồn ào dư luận khi đăng clip ghi lại cảnh đặt điện thoại bên cửa sổ rồi kéo tấm rèm xuống để "săn mây" trong suốt hành trình bay.
Hành động này của Lê Bống nhanh chóng bị công chúng lên án vì ảnh hưởng đến an toàn bay và dễ gây cháy nổ.
Điều đáng nói, khi sự việc xảy ra, cô hoàn toàn giữ động thái im lặng. Đến hai tuần sau, Lê Bống mới lên tiếng xin lỗi.
"Ngay từ khi biết trào lưu đó có thể gây những hậu quả nghiêm trọng, tôi đã ngay lập tức xóa clip. Tuy nhiên, để không tiếp tay cho những ai có ý định thực hiện trào lưu này, tôi muốn chính thức gửi lời xin lỗi và lên tiếng về hành động sai sót này của mình", Lê Bống cho biết.
Tuy nhiên, lời xin lỗi của cô tiếp tục nhận chỉ trích vì quá muộn màng. Trước lùm xùm này, Lê Bống còn tạo dáng phản cảm khi đi chùa, ăn mặc hở hang, đăng tải ảnh trong tư thế nhạy cảm trên mạng xã hội.
Song những lùm xùm kể trên không là rào cản ngăn Lê Bống tiến sâu tại Hoa hậu Thể thao Việt Nam. Ban tổ chức cuộc thi có vẻ cũng không bận tâm tới những chỉ trích từ cộng đồng mạng đối với thí sinh mang số báo danh 191. Kết quả top 10 Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022 và giải Người đẹp Nhân ái của Lê Bống khiến khán giả đặt câu hỏi về độ khách quan, uy tín từ ban tổ chức và chất lượng cuộc thi.
Khoảng cách của TikToker và nghệ sĩ còn rất xa
Nhìn nhận về trào lưu TikToker lấn sân showbiz, nhà báo Hồng Quang Minh nói dù có sức ảnh hưởng nhất định song các TikToker không nên được gắn mác người nổi tiếng.
"Tôi không nghĩ các TikToker là nghệ sĩ. Thậm chí nhiều người đi hát, đóng phim, tôi cũng không nghĩ họ là nghệ sĩ. Họ đơn thuần là người làm giải trí vì yêu thích và cũng là nguồn kiếm thu nhập. Nghệ sĩ yêu cầu một người cần kỹ năng ở mức độ nhất định, có tài năng ở mức độ được chuyên môn công nhận, có đam mê, cống hiến nghề nghiệp. Khoảng cách của người làm giải trí và nghệ sĩ còn rất xa, tuy biên giới này là mong manh", chuyên gia truyền thông cho biết.
Lê Bống lọt vào top 10 Hoa hậu Thể thao Việt Nam. Ảnh: BTC.
Hồng Quang Minh chia sẻ việc nhiều TikToker đi hát khi chưa trải qua trường, lớp đào tạo thanh nhạc mang tới nhiều hệ lụy cho nền âm nhạc nước nhà. Không ít sản phẩm hời hợt, thiếu chất lượng, chuyên môn và nhanh chóng bị quên lãng.
"Những khán giả đại chúng không có nhiều kiến thức, họ sẽ hiểu sai lệch về âm nhạc và thế nào là một sản phẩm âm nhạc thực sự. Tôi nghĩ đây là một thời điểm thoái trào. Có những cuộc đối đầu cũng như tranh đấu giữa các TikToker và những người hát, diễn chuyên nghiệp", anh nói.
Tuy nhiên, chuyên gia truyền thông cho rằng những hiện tượng kể trên đều là trào lưu và sẽ có thời điểm thoái trào. Công chúng, khán giả chính là những bộ lọc để đào thải sản phẩm kém chất lượng. Những ngôi sao mạng thiếu tài năng và thừa chiêu trò dần dần sẽ không được công nhận, bị bỏ quên.
"Sự hấp dẫn của các chương trình có thể tăng lên hay giảm đi, nhưng tính chuyên môn, giá trị của một chương trình thì luôn bị đặt dấu hỏi. 'Màn trình diễn' của các TikToker khiến con người ta giải trí nhanh hơn, gấp gáp hơn và cũng kém sâu sắc hơn", anh nói.
Hồng Quang Minh kết luận: "Tất nhiên, cùng với sự đi lên của tri thức, nhận thức, thưởng thức, rồi khán giả đại chúng sẽ nhận ra thực sự họ cần gì ở một sản phẩm văn hóa, giải trí".