Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được đầu tư 100 tỷ tu bổ

Thuộc địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là một di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam.
Trong năm 2025, dự án “Bảo tồn khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch” với kinh phí 100 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 sẽ được thực hiện.
Âm vang lịch sử
Vào thời Trần, khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc thuộc huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, thời Lê đổi thành huyện Phượng Nhỡn, thuộc thừa tuyên Bắc Giang, sau là trấn Kinh Bắc. Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc nay thuộc thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương cách Hà Nội khoảng 70 km.
Khu di tích này được chia thành hai phần là Côn Sơn và Kiếp Bạc. Trong đó, di tích danh thắng Côn Sơn bao gồm núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc liền kề, là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm vào thời Trần (Côn Sơn - Yên Tử - Quỳnh Lâm). Đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc lại tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng (địa phận 2 xã Cộng Hòa và Văn An) và núi Rùa (phía Tây Bắc), tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, Lục Đầu giang. Đó là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa đối với khu vực di tích danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc - Phượng Hoàng với sông núi Chí Linh.
Di tich Con Son - Kiep Bac duoc dau tu 100 ty tu bo
Toàn cảnh khu di tích danh thắng Côn Sơn. Ảnh: Báo Hải Dương.
Đây là vùng đất lịch sử mãi còn âm vang những chiến công lẫy lừng qua nhiều thời đại, đặc biệt là trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ 15. Đây cũng là vùng danh sơn huyền thoại, với những thắng cảnh tuyệt vời, những di tích cổ kính, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ non sông đất nước, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang.
Côn Sơn – cái nôi văn hóa Việt
Khu di tích danh thắng Côn Sơn có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử văn hóa Việt Nam. Ở đây, văn hóa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, nhưng tất cả đều thấm đẫm bản sắc văn hóa Việt. Bản sắc này để lại dấu ấn qua mỗi công trình xây dựng hiện tồn, ở các tầng văn hóa dưới lòng đất khi khai quật khảo cổ học, cũng như chứa đựng trong sách vở, trong các truyền thuyết còn lưu, trong các nghi thức cúng tế, trong các hoạt động lễ hội vô cùng phong phú.
Trong quá khứ, Côn Sơn từng là nơi vân du, ẩn dật và tu tâm dưỡng tính của các bậc danh nhân, tiêu biểu cho tâm hồn, khí phách, tinh hoa văn hóa Việt Nam ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Trần Nguyên Đán - quan Đại tư đồ phụ chính, nhà thơ, nhà lịch pháp lớn thời Hậu Trần đã về Côn Sơn dựng Thanh Hư Động để lui nghỉ những năm tháng cuối đời.
Thời Lê sơ, Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã nhiều lần, nhiều năm sống, gắn bó chan hòa cùng thiên nhiên, tạo vật ở Côn Sơn - "núi nhà," tìm thấy nơi đây bạn tri âm tri kỷ và nguồn thi hứng dạt dào. Lê Thánh Tông, vị minh quân và là Tao Đàn nguyên súy (thời Lê sơ), Thánh thơ Cao Bá Quát (thời Nguyễn)... đều đã đến đây tìm lại dấu vết Ức Trai, vãng cảnh, làm thơ, để lại những thi phẩm giá trị. Tháng 2/1965, Hồ Chủ tịch về thăm Côn Sơn. Người đã lên thăm Thạch Bàn, Thanh Hư động và đọc văn bia trước cửa chùa Hun, bằng sự trân trọng thiêng liêng và niềm giao cảm đặc biệt đối với cổ nhân.
Ngày nay, khu di tích Côn Sơn còn lưu giữ được những dấu tích văn hóa thời Trần và các giai đoạn lịch sử kế tiếp như chùa Côn Sơn, Giếng Ngọc, Bàn cờ Tiên, thạch bàn...
Kiếp Bạc - nơi "rồng vươn, hổ phục"
Cách Côn Sơn chừng 5 km, Kiếp Bạc là một địa danh lừng lẫy bên Lục Đầu Giang. Nơi đây có thế "rồng vươn, hổ phục", có "tứ đức, tứ linh", thế sông núi hiểm mà hài hòa, hùng vĩ khoáng đạt mà trang nhã.
Tại Kiếp Bạc, nước của bốn dòng sông từ thượng nguồn dồn về, chảy vào sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, mang phù sa màu mỡ tốt tươi về xuôi bồi đắp. Bốn dòng sông ấy, ngoài các tên quen thuộc, đều có thêm một tên Hán tự có chữ "đức" đứng sau như sông Đuống (Thiên Đức), sông Cầu tức sông Như Nguyệt (Nguyệt Đức), sông Thương (Minh Đức), Sông Lục Nam (Nhật Đức), dòng chính về xuôi thì có tên là sông Thái Bình. Người xưa coi Lục Đầu Giang là nơi hợp lưu của 4 dòng đức lớn trong vũ trụ mang thái bình tức là mang yên ổn thịnh vượng về cho trăm họ, muôn dân.
Di tich Con Son - Kiep Bac duoc dau tu 100 ty tu bo-Hinh-2
Đền Kiếp Bạc. Ảnh: Báo Bắc Giang.
Kiếp Bạc có đường thủy, đường bộ rất thuận tiện. Từ Kiếp Bạc có thể thuận tới Thăng Long, lên ngược, về xuôi, ra biển đều dễ dàng, nên đây là vị trí chiến lược, "quyết chiến điểm" mà cả quân dân Đại Việt cũng như quân xâm lược phương Bắc đều cần chiếm giữ trong các cuộc chiến tranh.
Trung tâm của khu di tích lịch sử Kiếp Bạc là đền Kiếp Bạc, ngôi đền cổ thờ Đức Thánh Trần - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, vị tổng chỉ huy quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Theo Dự án “Bảo tồn khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch” mà UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt, sẽ cải tạo khu vực đền Kiếp Bạc gồm: tu bổ Viên Lăng, hồ Viên Lăng (hồ Ngọc) với các hạng mục cầu vào Viên Lăng, nghi môn, chiếu rồng, bình phong, cột cờ, nhà bia, lư hương...; nạo vét lòng hồ Ngọc, kè hồ, kè Viên Lăng, trồng cây... Đối với khu vực chùa Côn Sơn sẽ bơm nước, nạo vét bùn, rác lòng hồ Bán Nguyệt, trồng cây, làm đường dạo xung quanh hồ; làm bãi xe phía Tây Nam hồ Bán Nguyệt…

Thanh Bình