Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang xảy ra căng thẳng liên quan tới vị trí Chủ tịch HĐQT ngay những ngày đầu năm mới 2023. Theo đó, ngày 31/12/2022, Tập đoàn công bố việc ông Lê Viết Hải vẫn tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT, hoãn thi hành việc bầu thay thế ông Nguyễn Công Phú, hoãn bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Lê Viết Hải) làm Tổng giám đốc.
|
Tiến sĩ Nguyễn Công Phú - tân Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. |
Ngược lại, ngay ngày 1/1, truyền thông đưa tin nhóm thành viên HĐQT của Hòa Bình gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine bác bỏ các nội dung trên.
Nhóm 4 người tố cáo ông Lê Viết Hải tổ chức cuộc họp HĐQT bất thường để đưa ra Nghị quyết số 53 là không hợp lệ. Nhóm này cũng tuyên bố ông Nguyễn Công Phú vẫn là Chủ tịch hợp pháp của Hòa Bình kể từ 1/1/2023.
Được biết, ông Nguyễn Công Phú sinh năm 1951, nguyên quán Quảng Trị nhưng sinh tại Quảng Nam. Sau năm 1954 sinh sống tại Huế, tốt nghiệp kỹ sư tạo tác - thủy lợi, khoá đầu tiên tại Đại học Khoa học - Huế.
Khi còn là sinh viên ngồi trên ghế giảng đường, Nguyễn Công Phú đã là một trong những thủ lĩnh của phong trào sinh viên Huế và là thành viên của Đoàn chủ tịch Hội sinh viên Huế.
Năm 1993, ông Phú trúng tuyển học bổng của Chính phủ Pháp để tiếp tục lấy bằng tiến sĩ về cơ học đất và công trình ngầm - Đại học Khoa học Paris - Trường Cầu đường Paris và trong suốt quá trình công tác đến năm 2021 đảm nhiệm các chức vụ quản lý cấp cao trong Tập đoàn Apave tại nhiều quốc gia trên thế giới.
|
Ông Lê Viết Hải giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Sáng lập, Tiến sĩ Nguyễn Công Phú được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. |
Sau hơn 20 năm học tập, làm việc tại Pháp và 50 quốc gia trên thế giới, năm 1995, tiến sĩ Nguyễn Công Phú đã đưa Apave - Pháp, một tập đoàn có 150 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn giám định đến Việt Nam. Ông thuyết phục được ban lãnh đạo tập đoàn về chiến lược từ Việt Nam là "căn cứ" để mở rộng phát triển ra các nước châu Á.
Năm 1996, Apave Việt Nam & Đông Nam Á ra đời (nay là Apave châu Á - Thái Bình Dương), dưới sự dẫn dắt của tiến sĩ Nguyễn Công Phú, công ty đã trở thành thương hiệu uy tín trong lĩnh vực giám định kỹ thuật, đào tạo và tư vấn.
Apave Việt Nam & Đông Nam Á đã tiên phong giới thiệu và thúc đẩy áp dụng các giải pháp quản lý chất lượng, môi trường, thử nghiệm không phá hủy, tư vấn giám định độc lập… tại Việt Nam.
Đồng thời tổ chức nhiều buổi trao đổi, chia sẻ ở trong nước, giới thiệu đến hàng loạt doanh nghiệp về ISO 9000, ISO 14000, HACCP, SA 8000 ở hầu hết các lĩnh vực như dầu khí, xây dựng, viễn thông, hàng không, cơ khí, thực phẩm…
Hoạt động này góp phần thay đổi tư duy và cách điều hành về quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế trong đội ngũ lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập.
Nỗ lực đóng góp cho Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Công Phú đã làm việc với Bộ Xây dựng đóng góp công sức trong việc xây dựng văn bản, quy định pháp luật về tư vấn giám sát và quản lý dự án cho công trình dân dụng và công nghiệp.
Từ năm 2015, trên tất cả công trường, dự án Apave làm tư vấn đều có yêu cầu chất lượng, an toàn, xanh sạch đặt ở vị trí trung tâm, cùng các bản cam kết và thuyết phục để nhà thầu, chủ đầu tư phải đảm bảo những yêu cầu trên.
|
Tinh thần đoàn kết, lao động hăng say của các thành viên đang khoác trên mình màu áo xanh Hòa Bình |
Tiến sĩ Nguyễn Công Phú từng chia sẻ: "Người Việt Nam không thua kém bất kỳ ai. Tôi tin mình có thể tạo ra đội ngũ kỹ sư mang tầm quốc tế".
Vì vậy, từ ngày thành lập với 30 nhân viên, đến nay, công ty do ông làm Tổng giám đốc đã đào tạo và quy tụ được đội ngũ 1.000 kiến trúc sư, kỹ sư, giám định viên… Văn phòng công ty mở xuyên Việt và liên tục mở công ty thành viên ở Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Myanmar, Ấn Độ…
Với chiến lược phát huy trí tuệ Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Công Phú đưa gần 70 kỹ sư sang Tripoli giữ vai trò tư vấn giám sát tại nhà ga sân bay quốc tế Tripoli của Libia trong 2 năm. Hàng trăm kỹ sư của Apave đang hoạt động trên khắp các nước.
Hầu hết những cán bộ kỹ thuật của Apave do ông Phú đào tạo đều có trình độ chuyên môn quốc tế. Hàng chục cán bộ của công ty đã đi làm chuyên gia giám định ở khắp các nước trên thế giới.
Nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy những công việc mà cán bộ của công ty thực hiện: giám sát các chuyên gia nước ngoài, trong đó có cả các kỹ sư Pháp, Mỹ..., với mức lương lên đến 10.000 USD/tháng.
Ngày 20/7/2021, Tiến sĩ Nguyễn Công Phú trở thành thành viên HĐQT độc lập của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Ông từng khẳng định: “Đừng xem chúng tôi - những người giám định - chỉ đơn thuần là những kẻ trông coi ciment, sắt thép... Chúng tôi phải đổ rất nhiều công sức để có được những kiến thức. Từ đó chúng tôi mới có thể trông coi những đống vật liệu ấy, sao cho chúng được sử dụng tối ưu nhất, tiết kiệm nhất và không bị thất thoát”.