Ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) là "sếp" ngân hàng duy nhất ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội.
Ông Phạm Đức Ấn sinh năm 1970 tại Nghệ An, là Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh - Đại học Kinh tế Quốc dân và Cử nhân Kế toán - Đại học Luật Hà Nội.
Ông Ấn từng kinh qua các vị trí lãnh đạo cao cấp ở nhiều ngân hàng lớn như ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng liên doanh Việt - Nga (VRB) và Agribank.
Cụ thể, ông Ấn từng có hơn 20 năm công tác tại BIDV với vị trí cao nhất là Phó Tổng Giám đốc BIDV. Đến năm tháng 8/2012 ông Ấn được biệt phái sang giữ vị trí Tổng Giám đốc VRB.
Được biết, việc biệt phái cán bộ lãnh đạo BIDV sang công tác, trực tiếp điều hành hoạt động của VRB thể hiện sự hỗ trợ to lớn và hiệu quả của BIDV - Ngân hàng sáng lập viên phía Việt Nam của VRB – đối với hoạt động của Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga, giúp VRB tăng cường hoạt động, phát triển năng động, đảm nhận tốt vai trò cầu nối tài chính – ngân hàng, góp phần tích cực vào việc củng cố và phát triển quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.
Sau gần 2 năm đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc VRB ông Phạm Đức Ấn được điều động sang giữ vị trí thành viên Hội đồng thành viên Agribank, sau đó, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Agribank từ tháng 6/2014 đến cuối năm 2018.
Từ 1/1/2019, ông Phạm Đức Ấn được bổ nhiệm là Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước, thời gian giữ chức vụ là 5 năm.
Tháng 4/2020, ông Phạm Đức Ấn được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐTV Agribank và bổ nhiệm kiêm thêm chức vụ mới là Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng nhiệm kỳ VII vào tháng 12/2020.
Agribank kinh doanh ra sao dưới sự chèo lái của Chủ tịch Phạm Đức Ấn
Trong năm 2020, năm đầu tiên ông Phạm Đức Ấn ngồi "ghế nóng" tại Agribank, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này cao nhất hệ thống với 43.660 tỷ đồng.
Đồng thời, lãi thuần từ dịch vụ tăng 13%, đạt gần 5.200 tỷ đồng. Mua bán chứng khoán đầu tư lãi 141 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 24,7 tỷ đồng.
Ngược lại, mảng kinh doanh vàng và ngoại hối giảm chỉ còn 940 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác giảm 26%, chủ yếu do thu hồi nợ từ các khoản xử lý rủi ro giảm 23% do ảnh hưởng của dịch Covid 19.
Đáng chú ý, thu nhập lãi thuần cao nhất hệ thống, nhưng lợi nhuận trước thuế của Agribank vẫn giảm trên 5% so với năm trước, đạt 13.203 tỷ đồng.
Nguyên nhân, do chính sách giảm lãi vay nên tốc độ tăng trưởng thu nhập từ lãi của nhà băng này giảm khá mạnh (chỉ tăng chưa đầy 6% trong khi các năm trước tăng 13-14%, có năm tăng 16%).
Năm 2020, ngân hàng đã mạnh tay cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng Covid -19, dẫn đến trên 1.600 tỷ đồng lãi phải thu của các khoản nợ được cơ cấu không được tính vào thu nhập (quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN).
Chưa kể, Agribank đã tiến hành 7 lần giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng trong năm 2020, khiến ngân hàng giảm hơn 1.100 tỷ đồng lãi vay.
Cũng trong năm này, Agribank tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, kéo tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới 120% thay vì 101% tại thời điểm cuối năm 2019.
Cuối năm 2020, tổng tài sản của Agribank xấp xỉ 1,57 triệu tỷ đồng - lớn nhất hệ thống. Trong khi đó, quy mô tài sản các "ông lớn" quốc doanh khác là BIDV, VietinBank và Vietcombank lần lượt đạt 1,51 triệu tỷ, 1,34 triệu tỷ và 1,32 triệu tỷ đồng.
Thậm chí, đến hết quý I/2021, tổng tài sản của BIDV mới chỉ dừng lại ở mức gần 1,56 triệu tỷ đồng.