|
Bà Nguyễn Thị Thu Hương (ở giữa) đảm nhiệm Tổng Giám đốc Kinh Bắc từ năm 2012. |
Trong báo cáo “Thu nhập của tổng giám đốc và hội đồng quản trị tại các công ty đại chúng ở Việt Nam năm 2023” do FiinGroup và FiinRatings vừa công bố, bà Nguyễn Thị Thu Hương, người đang giữ chức Tổng Giám đốc (TGĐ) tại Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) có mức thu nhập cao nhất trong nhóm lãnh đạo các công ty trên sàn.
Năm 2023, bà Hương nhận về gần 17 tỷ đồng, tức hơn 1,4 tỷ đồng/tháng. Những năm trước đó, vị nữ tướng này nhận về dưới 10 tỷ đồng mỗi năm. Đây là con số vượt trội so với lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác, cao hơn cả "sếp" các ngân hàng thương mại cổ phần.
|
Mức lương thưởng của bà Hương những năm gần đây. |
Thu nhập đột biến của bà Thu Hương đạt được khi năm vừa rồi, Kinh Bắc ghi nhận tình hình kinh doanh nhiều tích cực, bên cạnh đó còn kí được nhiều hợp đồng có giá trị lớn, các Biên bản ghi nhớ hợp tác cho thuê bất động sản khu công nghiệp.
Năm 2023, Kinh Bắc ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 6.059 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi bao gồm: Cho thuê đất, cho thuê nhà xưởng, chuyển nhượng bất động sản và các dịch vụ liên quan đạt 5.618 tỷ đồng, gấp gần 6 lần so với năm 2022.
Riêng doanh thu cho thuê cơ sở hạ tầng đạt 5.221 tỷ đồng, gấp gần 8 lần cùng kỳ, chủ yếu đến từ các KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu và KCN Tân Phú Trung.
Doanh thu cung cấp nước sạch, điện, phí dịch vụ, xử lý nước thải đạt 386 tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với năm 2022, tăng trưởng đều đặn hàng năm, là nguồn thu ổn định duy trì các hoạt động vận hành của Kinh Bắc.
Kết quả, Kinh Bắc lãi sau thuế đạt 2.245 tỷ đồng, bằng 142% so với năm 2022. Lợi nhận sau thuế của công ty mẹ đạt 2.030 tỷ đồng, tăng 33%. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của tổng công ty kể từ khi niêm yết vào năm 2007.
Dưới sự dẫn dắt của TGĐ Nguyễn Thị Thu Hương nói riêng và ban lãnh đạo nói chung, Kinh Bắc đã sạch nợ trái phiếu sau khi hoàn tất mua lại trước hạn 3.900 tỷ đồng trái phiếu ngay trong nửa đầu năm.
|
Bà Hương nhận mức lương thưởng khủng khi năm 2023, Kinh Bắc ghi nhận lãi kỷ lục kể từ khi lên sàn. |
Theo giới thiệu, bà Nguyễn Thị Thu Hương sinh năm 1971, được bầu là thành viên HĐQT Kinh Bắc vào ngày 27/4/2012. Bà Hương có bằng Tiến sĩ Kinh tế và bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, thành thạo tiếng Trung và tiếng Anh.
Gắn bó với Kinh Bắc từ ngày đầu thành lập, bà Nguyễn Thị Thu Hương nắm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của tập đoàn, từ đó chèo lái tập đoàn vượt qua những năm tháng khủng hoảng.
Bà có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao, có vai trò quan trọng trong công tác xúc tiến quan hệ đầu tư với các tập đoàn lớn cũng như kiểm soát hoạt động kinh doanh tại từng KCN.
“Bên cạnh nhiệm vụ quản lý hoạt động kinh doanh, bà Hương luôn chú trọng đến tinh thần làm việc trách nhiệm, tính kỷ luật và tinh thần đoàn kết của Tập thể cán bộ như phần quan trọng nhất trong sự phát triển của Tập đoàn”, báo cáo thường niên năm 2023 của Kinh Bắc giới thiệu về bị nữ tướng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; nhiều lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; liên tục nhiều năm được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; Được tặng nhiều Giấy khen của Ban quản lý các KCN, Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh, Giấy khen của Tổng cục thuế và của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh.
Bà cũng vinh dự là đại diện tham gia “Hội nghị những nhà lãnh đạo trẻ Khu vực châu Á – Thái Bình Dương”; “Hội nghị Nữ Doanh nhân Châu Á”; "Nữ Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông hồng vàng".
Theo báo cáo quản trị nửa đầu năm của Kinh Bắc, bà Hương sở hữu 399.304 cổ phiếu KBC, tỷ lệ 0,052% vốn. Những người có liên quan trong gia đình bà Hương không sở hữu hoặc sở hữu lượng cổ phần không đáng kể.
Ngoài vị trí TGĐ và Thành viên HĐQT tại Kinh Bắc, bà Hương còn làm lãnh đạo cấp cao trong 2 công ty con là Chủ tịch CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang, làm Phó Chủ tịch kiêm Phó TGĐ CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng.
Kinh Bắc sở hữu quỹ đất hơn 6.600 ha, thu hút nhiều"đại bàng" FDI
Kinh Bắc thành lập vào năm 2022, khởi đầu từ lĩnh vực đầu tư và phát triển kinh doanh KCN, đã từng mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực như Ngân hàng, Năng lượng, Khoáng sản nhưng không hiệu quả. Vì vậy, từ năm 2016, Kinh Bắc chỉ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là đầu tư, kinh doanh KCN và các dịch vụ đi kèm đồng thời từng bước phát triển Khu đô thị và Nhà ở xã hội gắn liền với phát triển KCN.
Hiện tại, hơn 90% khách hàng tại các KCN công nghệ cao của Kinh Bắc là các doanh nghiệp nước ngoài lớn đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông,... như Canon, Foxconn, LG, JA Solar, Luxshare – ICT, Goertek, Fuyu, Jufeng, Ingrasys,…
Tính đến 31/12/2023, quỹ đất KCN của KBC đang sở hữu hơn 6.610 ha, chiếm 5,09% quỹ đất KCN của cả nước. Trong đó, Kinh Bắc đã có 5 KCN được lắp đầy 100%, thu hút gần 300 nhà đầu tư nước ngoài
Về diện tích đất Khu đô thị, hiện tại Kinh Bắc đang sở hữu quỹ đất là 1.413 ha đất KĐT ở các tỉnh/thành phố lớn trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam và quỹ đất khác để xây dựng nhà máy sản xuất là 117,7 ha.
|
Nguồn: Kinh Bắc. |