Hôm nay (22/7), diễn ra phiên tòa xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm xảy ra tại CTCP Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.
Trong số những người phải hầu tòa, ngoài cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết còn có bị cáo Hương Trần Kiều Dung - cựu Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC với cáo buộc hai tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán (TTCK).
Bà Dung từng là "nữ tướng" nổi bật nhất tại FLC - tập đoàn do ông Trịnh Văn Quyết sáng lập. Trước khi bị bắt, bà Hương Trần Kiều Dung là "bóng hồng" nổi tiếng, người phụ nữ quyền lực và cũng là cánh tay phải đắc lực của Người sáng lập FLC Trịnh Văn Quyết.
Sinh năm 1978, ít ai biết bà Hương Trần Kiều Dung sau tốt nghiệp đại học từng có ý định sớm lập gia đình. Tuy nhiên, nhờ lời của người cha: "Tình yêu sẽ tìm đến mình, còn sự học thì mình phải tìm đến nó", bà quyết định tạm gác việc lấy chồng và sang Pháp học Thạc sỹ.
Thời điểm đó, người yêu vẫn quyết định chờ bà. Và sau này họ đã đến được với nhau. Thời gian học lên Tiến sỹ, bà Dung đã có gia đình và sinh con nhỏ. Có lúc bà mệt mỏi, áp lực và ngỡ không thể vượt qua, nhưng nhờ ý chí và sự kiên trì được bố rèn luyện, sự động viên từ thầy cô, bà đã vẻ vang nhận tấm bằng tốt nghiệp Tiến sỹ Luật quy hoạch xây dựng Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp.
Chia sẻ với báo giới, bà Dung từng cho biết ngoài niềm đam mê với luật thì kinh doanh cũng là lĩnh vực hấp dẫn. Khi còn học ở trường đại học, bà đã đi làm thêm và tham gia kinh doanh ở quy mô nhỏ cùng gia đình. Giai đoạn mới ra trường, từng mở một công ty về xuất nhập khẩu.
"Nhưng dần dần tôi nhận ra rằng, nếu chỉ có một mình, thì sẽ rất khó khăn nếu muốn làm nên những việc lớn", bà Dung nói.
Theo đó, từ một nữ luật sư trẻ, sau khi bảo vệ Tiến sỹ Luật tại Cộng hoà Pháp, bà Hương Trần Kiều Dung bước vào kinh doanh như một cơ duyên, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng tại một số doanh nghiệp, từ đó tạo thế mạnh về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, mua bán và sáp nhập.
Cụ thể, tháng 5/2008 - 12/2010, bà là Giám đốc Dự án Aid-coop thuộc Tổ chức Gre; Tháng 1/2011 - 6/2012, làm Giám đốc Điều hành CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Nam; Tháng 6/2012 - 2/2013, là Trưởng ban Pháp chế Công ty Vinaroyal Group kiêm Luật sư Tư vấn Tập đoàn Bảo An.
Nữ doanh nhân này bắt đầu "bén duyên" với FLC của ông Trịnh Văn Quyết từ tháng 3/2013 khi là Luật sư chính thuộc Công ty TNHH Luật SmiC-công ty luật mà ông Trịnh Văn Quyết làm Tổng Giám đốc.
Đến tháng 10/2013, bà làm Trưởng ban Pháp chế và Phát triển Dự án CTCP Tập đoàn FLC; Từ 13/12/2013 đến 5/2015, bà Hương Trần Kiều Dung đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban Pháp chế và Phát triển Dự án Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Sau đó bà làm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, trước khi đảm trách vị trí Phó chủ tịch HĐQT FLC từ tháng 3/2017.
Bà Dung chia sẻ rằng: "Có một điểm chung giữa tôi và nhiều người trong Ban lãnh đạo FLC là cùng được đào tạo chuyên sâu và hoạt động lâu năm trong lĩnh vực luật. Môi trường và định hướng chiến lược của Tập đoàn FLC cũng là những điều tôi muốn vươn tới trong sự nghiệp của mình".
Với kinh nghiệm dày dạn và đa dạng, bên cạnh vai trò là "nữ tướng" có quyền lực tại Tập đoàn FLC, bà Hương Trần Kiều Dung còn từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại các công ty con của FLC như Chủ tịch FLC Faros (ROS), Chủ tịch HĐQT chứng khoán BOS (ART), Tổng giám đốc FLC Homes (FHH)…
Tưởng chừng sự nghiệp của bà Dung sẽ thăng hoa hơn nữa với FLC nhưng bà đã vướng vòng lao lý, và hôm nay (12/7) bà chính thức hầu toà với Người sáng lập FLC - Trịnh Văn Quyết.
Theo cáo trạng, bà Hương Trần Kiều Dung không nộp tiền góp vốn, không nhận tiền vay của Công ty Faros nhưng được ông Trịnh Văn Quyết giao ký hợp đồng nhận chuyển nhượng, giấy nộp tiền góp vốn, để sở hữu 52,35 triệu cổ phần, tương đương 523,5 tỷ đồng.
Sau đó, bà Dung ký hợp đồng chuyển nhượng trả lại 10,35 triệu cổ phần cho Trịnh Văn Quyết để hợp thức hồ sơ đăng ký niêm yết. Số 42 triệu cổ phần còn lại, bà Dung giao cho Trịnh Thị Minh Huế bán, thu tiền cho Trịnh Văn Quyết.
Bên cạnh đó, bà Dung còn ký 2 hợp đồng nhận ủy thác đầu tư của Công ty Faros số tiền 48 tỷ đồng để hợp thức việc nâng khống vốn góp. Sau khi niêm yết, bà Dung tiếp tục ký chuyển số tiền 7.326 tỷ đồng để che giấu số vốn góp khống.
Hành vi của Hương Trần Kiều Dung đã giúp sức để niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE, từ đó, Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của hơn 30.400 nhà đầu tư. Cáo trạng cho hay, bị can Dung khai nhận hành vi phạm tội, tự nguyện nộp 200 triệu đồng khắc phục hậu quả.
Ở tội danh "Thao túng thị trường chứng khoán", bị cáo Hương Trần Kiều Dung biết Trịnh Thị Thúy Nga (em gái Trịnh Văn Quyết) cho các tài khoản chứng khoán trong nhóm Trịnh Văn Quyết mua cổ phiếu khi không có đủ tiền trong tài khoản là trái pháp luật nhưng vẫn ký biên bản họp HĐQT, đại diện HĐQT ký nghị quyết, ủy quyền cho Nga được cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng mua chứng khoán với số tiền trên 10 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo trái pháp luật.
"Hành vi đó giúp Trịnh Văn Quyết thao túng 3 mã cổ phiếu FLC, GAB, ART, thu lợi bất chính hơn 445 tỷ đồng. Bị can khai nhận hành vi phạm tội như trên và khai chỉ được hưởng lương 80 triệu/tháng", cáo trạng quy kết.