Những nhà đầu tư nổi bật của Shark Tank Việt Nam
Sau khi tham gia chương trình, nhiều "cá mập" nổi đình nổi đám và được khán giả yêu mến.
Shark Hưng
Shark Phạm Thanh Hưng (hay Shark Hưng) một trong số ít doanh nhân bất động sản được đào tạo tại Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore và một số quốc gia Châu Âu về các lĩnh vực quản lý tổ chức, thương mại điện tử. Shark Hưng hiện là Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group kiêm Chủ tịch HĐQT CEN Invest.
|
Shark Phạm Thanh Hưng. Ảnh: Cenland |
Shark Hưng là "cá mập" đáng gờm với tiêu chuẩn cao cho "con mồi" và hạn chế đầu tư. Shark Hưng nổi tiếng với câu nói “Cần cù thôi chưa đủ, làm chủ phải tinh khôn”.
Shark Nguyễn Hòa Bình
Khởi nghiệp khi còn học đại học, Shark Nguyễn Hòa Bình trở thành tâm điểm của Tập đoàn NextTech. Ông sinh năm 1981 và đang giữ chức vụ Chủ tịch Tập đoàn NextTech – một tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu công nghệ nổi tiếng như mPoS, VIMO, Boxme, FastGo, Ngân Lượng...
|
Shark Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: FB Shark Nguyễn Hòa Bình |
Không chỉ là nhà đầu tư trong Shark Tank Việt Nam, doanh nhân Nguyễn Hoà Bình còn được biết đến như “tri kỷ” của các Startup Việt với hơn 20 năm kinh nghiệm khởi nghiệp. Trong chương trình, Shark Bình nổi tiếng với biệt danh như Shark “tri kỷ”, “gió đông”...
Shark Nguyễn Xuân Phú
Shark Nguyễn Xuân Phú là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sunhouse, được biết đến với danh xưng "vua chảo" vì chảo Sunhouse chiếm lĩnh 40% - 50% thị trường ở Việt Nam. Nam doanh nhân từng trải qua những khó khăn trong thời thơ ấu, là cựu sinh viên của Đại học Kinh tế Quốc dân.
|
Shark Nguyễn Xuân Phú. Ảnh: Sunhouse |
Câu hỏi kinh điển: “Nếu thất bại, làm thế nào em hoàn vốn cho anh?" khiến ông Nguyễn Xuân Phú trở thành một Shark khó tính và tinh tế trong Thương vụ bạc tỷ.
Những "cá mập" vướng vòng lao lý
Bên cạnh hào quang từ những thương vụ đầu tư bạc tỷ, một số "cá mập" đang từ đỉnh cao sự nghiệp bỗng liên tiếp dính lùm xùm, thua lỗ, có người còn vướng vòng lao lý.
Shark Thủy bị điều tra khởi tố
Nổi lên từ Shark Tank trong 3 mùa đầu tiên, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Công ty Giáo dục EGroup và Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax Leaders góp mặt trong chương trình Shark Tank Việt Nam với 9 thương vụ đầu tư đình đám như cam kết rót 500.000 USD vào Magic Book; góp vốn 100 tỷ đồng vào chuỗi Soya Garden... Đến nay chỉ có 3/9 dự án còn hoạt động.
|
Shark Thủy là một trong những "cá mập" đầu tư rất thoáng tay với các startup. Ảnh: Shark Tank Việt Nam. |
Tuy nhiên, Shark Thủy đã vướng vào hàng loạt lùm xùm nghiêm trọng liên quan đến việc quản lý Apax Leaders như nợ lương nhân viên, nợ tiền học phí phụ huynh và chây ì trả tiền nhà đầu tư.
Ngày 26/3/2024, Shark Thủy bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Shark Tam bị bắt
Ông Phạm Văn Tam thành lập Tập đoàn Asanzo từ cuối năm 2013. Asanzo kinh doanh sản phẩm đầu tiên là tivi, sau này mở rộng thêm các ngành hàng điện lạnh, điện gia dụng, smartphone và các mặt hàng điện tử khác. Với lợi thế giá rẻ và mang danh thương hiệu Việt, tivi Asanzo phủ sóng một cách thần tốc trên thị trường nội địa.
Ông chủ Asanzo được biết đến rộng rãi hơn vào năm 2019 khi trở thành một trong các "cá mập" tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3.
|
Shark Phạm Văn Tam. Ảnh: Winsan. |
Thời điểm đó, Shark Tam nổi đình đám, phủ kín các mặt báo với gương mặt một doanh nhân trẻ trung, năng động, hình mẫu thành công trong giới khởi nghiệp ở Việt Nam. Đây cũng là khoảng thời gian thương hiệu Asanzo tăng trưởng thần tốc.
Sau đó, Shark Tam cũng dính hàng loạt lùm xùm liên quan đến nghi vấn sản phẩm Asanzo là "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt".
Ngày 24/6/2024, Shark Tam bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM bắt tạm giam để điều tra về tội trốn thuế.