Tại buổi gặp mặt báo chí trong chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa" năm 2023 do Bệnh viện Nam học Hiếm muộn tổ chức ngày 15/12, đã có nhiều câu chuyện đong đầy cảm xúc từ những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn. Có những người may mắn làm cha, mẹ nhưng cũng có những quân nhân vẫn đang trên hành trình mải miết "săn con".
Thiếu tá Hoàng Văn Dũng (công tác tại Bộ Tham mưu, Quân chủng Hải quân) và vợ là chị Nguyễn Thị Yến (quê Thái Bình) sau 10 năm khắc khoải mong con, cuối cùng tiếng cười con yêu đã đến với gia đình anh chị vào tháng 3 năm nay.
Ths.BS Lê Thị Thu Hiền – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Hành trình tìm con của anh Dũng, chị Yến là minh chứng điển hình cho những khó khăn, vất vả của nhiều cặp vợ chồng quân nhân khác. 3 năm kết hôn không có tin vui, 4 lần làm thụ tinh trong ống nghiệm-bơm tinh trùng vào buồng tử cung thất bại, anh chị thường xuyên phải đổi địa điểm công tác khiến cho vợ chồng trẻ càng chơi vơi trên hành trình săn con.
Đúng lúc ấy, anh Dũng, chị Yến biết đến chương trình Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn-Yêu thương lan tỏa năm 2021, vợ chồng anh chị một lần nữa quyết tâm ra viện thăm khám.
Sau bao khó khăn, hy vọng rồi lại thất vọng trong hành trình tìm con, "trái ngọt" đầu tiên của anh Dũng chị Yến đã đơm hoa, kết trái vào ngày 10/3/2023, sau gần 10 năm mòn mỏi mong chờ.
Trung úy Phan Tuấn Anh (công tác tại Cục Quân Khí Tổng cục Kỹ thuật) và vợ là chị Đỗ Thị Lan (Hòa Bình) cũng đón được con yêu sau 5 năm kết hôn.
Hạnh phúc đã mỉm cười khi chị Lan đã đậu thai ngay ở lần chuyển phôi đầu tiên, hành trình thai kỳ của chị cũng diễn ra suôn sẻ, đợi con đủ ngày đủ tháng chào đời mà không gặp phải những cơn ốm nghén. Vào ngày 12/11/2023, một bé trai kháu khỉnh, đáng yêu của vợ chồng anh Tuấn Anh, chị Lan đã chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình và ông bà nội ngoại hai bên.
Trường hợp của Thượng úy Nguyễn Đình Đức (công tác tại Đồn Biên phòng Huổi Luông, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) và chị Võ Thị Thanh quê ở Nghệ An. Kết hôn từ năm 2020 nhưng đến nay, sau 3 năm mong ngóng con yêu anh chị vẫn chưa một lần được cảm nhận hạnh phúc làm cha làm mẹ bởi những rào cản cả về kinh tế và khoảng cách địa lý xa xôi cách trở giữa hai vợ chồng.
Là con trai út trong gia đình, bố anh Đức bị khuyết tật nặng, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo nhược cơ từ năm 2004, phải dùng thuốc điều trị hàng ngày và mất khả năng lao động. Một mình anh Đức phải lo kinh tế gia đình nên hai vợ chồng phải tạm gác lại hành trình tìm con của mình để tập trung kinh tế chăm lo cho bố mẹ già yếu.
Biết đến chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn – Yêu thương lan tỏa" năm 2023 của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng anh Đức chị Thanh một lần nữa xuống Hà Nội thăm khám và hoàn thiện thăm khám và nộp hồ sơ xét duyệt.
BS CKI Phạm Văn Hưởng, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, trong hơn 3000 quân nhân hiếm muộn, có rất nhiều cặp vợ chồng gặp rào cản về kinh tế trên hành trình tìm con. Bác sĩ Hưởng tin rằng đó là những khởi đầu tốt đẹp trên hành trình tìm con của các gia đình, để tiếng cười trẻ thơ sớm đến với các gia đình mong con.
Ths.BS Lê Thị Thu Hiền – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ: “Nhiều trường hợp quân nhân thường xuyên phải công tác xa gia đình, đặc biệt là những người công tác nơi tuyến đầu tổ quốc, vì đặc thù công việc mà chưa thể có con, muộn con. Chính vì vậy, Bệnh viện muốn được sẻ chia, hỗ trợ các gia đình quân nhân để hành trình tìm con yêu được thuận lợi dễ dàng hơn. Thông điệp yêu thương mà chúng tôi muốn trao gửi đến các gia đình quân nhân hãy lạc quan, nỗ lực và vững tin vào ngày mai tươi đẹp, bởi nhất định con yêu sẽ về”.