Bộ Y tế cho biết, đây là tai biến y khoa theo quy định tại Điều 2 Luật khám chữa bệnh. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau thực hiện theo quy định để kết luận về việc xác định người hành nghề có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật, làm cơ sở để giải quyết tranh chấp (nếu có).
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện liên hệ, tổ chức gặp gỡ, động viên chia sẻ đối với gia đình người bệnh, phối hợp với cơ quan bảo hiểm và các đơn vị liên quan có phương án giải quyết hợp tình, hợp lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh cũng như người nhà người bệnh.

Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu khẩn trương thành lập Hội đồng chuyên môn rà soát tất cả các quy trình kỹ thuật chuyên môn, quy trình chăm sóc đã được thực hiện trên người bệnh từ lúc nhập viện đến khi xảy ra tai biến tử vong, đặc biệt trong chẩn đoán xác định và chỉ định điều trị giang mai bẩm sinh theo Hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế, Bệnh viện Cà Mau rút kinh nghiệm, rà soát, củng cố, thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về hoạt động cải tiến chất lượng, an toàn người bệnh và phòng ngừa sự cố y khoa.
Trước đó, trả lời báo chí, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau (tỉnh Cà Mau) thông tin, trường hợp tử vong là trẻ sơ sinh nam, 1 ngày tuổi, con của sản phụ quê huyện Đầm Dơi (Cà Mau). Bé chào đời bằng phương pháp sinh mổ với tuổi thai 39 tuần, cân nặng 3,7kg.
Tuy nhiên, sản phụ có kết quả dương tính với bệnh giang mai, nên bé được đưa vào khoa Sơ sinh tối 21/2 để theo dõi. Bé được được chỉ định tiêm dự phòng giang mai theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Lúc 6h45 ngày 22/2, bé được tiêm bắp thuốc Benzathine benzylpenicillin, với liều 50.000UI/kg theo hướng dẫn kỹ thuật các can thiệp dự phòng HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con của Bộ Y tế.
Sau khi tiêm, bé xuất hiện dấu hiệu tím tái, thở co lõm ngực. Ngay lập tức, bé được xử trí cấp cứu với ôxy. Tuy nhiên, tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng, dẫn đến sốc. Dù đã được hồi sức tích cực và đặt nội khí quản, bé vẫn không qua khỏi và tử vong lúc 8h30 cùng ngày.
Bệnh viện chẩn đoán nguyên nhân tử vong là sốc phản vệ độ 4, nghi do kháng sinh Benzathine benzylpenicillin.
Ngay sau sự việc, bệnh viện đã phối hợp với công an phường để thông báo và giải thích tình trạng bệnh cũng như quá trình chăm sóc, điều trị cho người nhà. Gia đình đã đồng ý đưa bé về và không có ý kiến gì thêm.