Vụ tai nạn 10 người tử vong ở Quảng Nam: Lái xe khách tử vong, ai đền bù cho các nạn nhân?

Sau vụ tai nạn thảm khốc khiến 10 người tử vong ở Quảng Nam, dù tài xế đã tử vong nhưng trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn được đặt ra.

Hiện trường vụ tai nạn.

Ngày 14/2, tài xế Phạm Đức H. (ở Quảng Ngãi) điều khiển ô tô chở theo 21 người lưu thông trên đường tỉnh 619.

Khi đến địa phận xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam va chạm với xe đầu kéo khiến tài xế H. cùng 9 người khác trên xe tử vong và 11 người bị thương.

Thông tin từ cơ quan chức năng, ghi nhận tại thời điểm xảy ra tai nạn xe khách 16 chỗ chở theo 21 người, vượt quá số người quy định. Xe này chỉ được phép chở 19 người bao gồm cả lái, phụ xe,

Ngoài ra, tốc độ khi xảy va chạm xe khách đang chạy 69km/h. Trong khi ở đoạn đường này chỉ cho phép chạy 60km/h. Hiện Công an huyện Núi Thành đang điều tra, làm rõ nguyên nhân, xác định lỗi của ô tô khách hay xe đầu kéo.

Liên quan đến vụ tai nạn trên, độc giả thắc mắc, trong vụ tai nạn này lái xe khách đã tử vong thì ai sẽ đền bù thiệt hại cho các nạn nhân?

Trả lời thắc mắc của độc giả, luật sư Nguyễn Văn Đoàn – công tác tại Công ty TNHH Luật sư X cho biết, theo quy định điều 601 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về trách nhiệm bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì người tài xế lái xe vi phạm quy định về luật giao thông sẽ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: Thiệt hại về tài sản và thiệt hại về sức khỏe.

Theo luật sư Đoàn, trong trường hợp, tài xế lái xe gây tai nạn tử vong mà có tham gia bảo hiểm bắt buộc cho xe cơ giới theo quy định điều 14 Nghị Định 03/2021/NĐ-CP thì khi xảy ra tai nạn, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ bồi thường cho người bị thiệt hại.

Luật sư Đoàn phân tích thêm, trong trường hợp người được bảo hiểm chết, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Tòa án, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại (trường hợp người bị thiệt hại đã chết) hoặc đại diện của người bị thiệt hại.

Như vậy, trong vụ tai nạn trên, tài xế xe khách gây tai nạn đã tử vong nhưng có tham gia bảo hiểm cho xe cơ giới thì các nạn nhân trong vụ tai nạn sẽ được công ty bảo hiểm chi trả các khoản thiệt hại, nếu có.

Cùng quan điểm, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hoa - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, theo điều 601, Bộ luật dân sự năm 2015, phương tiện giao thông được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Vì vậy, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại.

Theo luật sư Tùng, trong trường hợp lỗi do tài xế H. điều khiển xe khách gây tai nạn thì tài xế này phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân. Tuy nhiên, trong vụ tai nạn, tài xế H. đã tử vong thì những người thừa kế của họ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong phạm vi di sản thừa kế mà người đã chết để lại.

Trường hợp tài xế tự kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách, gia đình của tài xế phải dùng tài sản của người này để bồi thường thiệt hại; trường hợp tài sản của người này không đủ để bồi thường thiệt hại thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất có trách nhiệm thực hiện thay phần nghĩa vụ này. Nếu là xe hợp đồng của đơn vị kinh doanh thì chủ đơn vị kinh doanh phải đền bù thiệt hại. Nếu chủ phương tiện có mua bảo hiểm dân sự hai chiều thì bảo hiểm sẽ phải bồi thường.

Thiệt hại được bồi thường sẽ gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí cho việc mai táng và các chi phí hợp lý khác.

An Na

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN