Vợ đại tá phi công Chu Quang Minh: “Anh ấy rất yêu nghề”

“Anh ấy có hơn 30 năm làm nghề phi công, bay cả trong nước lẫn nước ngoài. Thời gian anh ấy ở trên bầu trời nhiều hơn ở nhà.” – vợ đại tá Minh chia sẻ.

Bà Ngân khóc nấc kể lại giây phút nhận tin dữ.

Cả đêm ngóng tin chồng

“Nay ba bay chuyến cuối cùng thì mất liên lạc rồi mẹ ạ!”, bà Nguyễn Thị Ngân (55 tuổi, vợ phi công Chu Quang Minh) hụt hẫng khi nghe con gái gọi về nhà gấp để báo tin.

Bà Ngân không tin chiếc máy bay trực thăng Bell-505, số hiệu VN-8650 chồng mình điều khiển chở 4 vị khách chiều 5/4 mất liên lạc cho đến khi lãnh đạo đơn vị nơi chồng công tác tới nói chuyện.

“Tôi nghĩ tai nạn máy bay thì khó có thể sống sót nhưng mấy mẹ con vẫn hy vọng có phép màu và chỉ biết chờ đợi”, bà Ngân xúc động chia sẻ với chúng tôi khi ngồi bên ban thờ vừa lập vội cho chồng đại tá phi công Chu Quang Minh.

Bà Ngân kể, từ khi nhận được tin chồng mất liên lạc, bà như người mất hồn, đi ra đi vào. Bà vội chạy ra mua ít hoa quả thắp hương cho gia tiên để cầu mong cho chồng tai qua nạn khỏi. Đêm hôm đó, bà Ngân không tài nào chợp mắt nổi bởi ruột gan nóng như lửa đốt vì chưa liên lạc được với chồng.

“Tôi không ngủ được nên dậy dọn dẹp nhà cửa. Tôi vẫn tự an ủi bản thân, không có chuyện gì xảy ra, chồng tôi đang đi công tác như mọi ngày thôi”, bà Ngân tự trấn án mình và giữ hy vọng chồng sẽ may mắn trở về.

Rạng sáng 6/4, con gái đại tá Minh nhận được tin lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể ba nhưng vẫn giấu chưa nói cho mẹ biết. Tuy nhiên, vì không thể chợp mắt nên 2h sáng 6/4, bà Ngân vào đọc tin tức và thấy con gái để ảnh đen trên Facebook thì biết chồng đã mất, không còn hy vọng nữa.

Nỗi đau mất chồng, mất đi người đầu ấp tay gối suốt 30 năm khiến người phụ nữ 55 tuổi đau đớn đến nghẹt thở, bật khóc.

“Dù đã xác định tư tưởng trước nhưng khi biết tin anh ấy không còn nữa tôi đau đớn đến nghẹt thở.”, bà Ngân nghẹn ngào.

Ước mơ dang dở

Chia sẻ về gia đình và công việc của chồng, bà Ngân kể, do đặc thù nghề nghiệp và công việc hai vợ chồng chưa từng một lần đi du lịch ở đâu.

“Anh ấy rất yêu nghề phi công nên trong nhà luôn bày biện những mô hình máy bay.”, bà Ngân ngẹn ngào nói, ánh mắt hướng nhìn vào những chiếc máy bay mô hình máy bay đại tá Minh trưng bày ở phòng khách.

Bà Ngân bảo, chồng đã từng có 4 năm du học phi công tại Nga, sau đó về kết hôn với bà và sinh được hai người con, một trai, một gái. Bà Ngân luôn tin tưởng chồng vì đã thực hiện rất nhiều chuyến bay, chưa từng xảy ra sự cố gì.

“Anh ấy có hơn 30 năm làm nghề phi công, bay cả trong nước lẫn nước ngoài. Mỗi chuyến đi của anh ấy khoảng vài tuần hoặc một tháng. Thời gian anh ấy ở trên bầu trời nhiều hơn ở nhà. Còn tôi ở nhà buôn bán, chăm sóc các con, lo đối nội, đối ngoại cho anh ấy yên tâm làm nghề”, bà Ngân chia sẻ.

Trước khi thực hiện chuyến bay định mệnh, nam phi công vừa công tác trong Đà Nẵng một tuần. Khi nhận công việc ở Hạ Long (Quảng Ninh) ông Minh có nói với bà Ngân vài lời “mai anh đi bay ở Hạ Long”. Đây cũng là lời nhắn cuối cùng của nam phi công dành cho người vợ.

“Cuối năm nay anh ấy nghỉ hưu, tôi chỉ ước sẽ cùng anh ấy đi du lịch khắp nơi nhưng giờ anh ấy lại bỏ tôi ở lại. Điều cuối cùng tôi làm cho anh ấy là cùng các con xuống Quảng Ninh đón anh về nhà”, bà Ngân xúc động chia sẻ.

Sáng 7/4, bà Ngân và người thân trong gia đình đang chuẩn bị để tổ chức lễ tang đại tá Minh. Nhiều người dân, hàng xóm, đồng nghiệp của phi công đã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ nỗi đau cùng gia đình nạn nhân.

Vào lúc 17h ngày 5/4, tại khu vực biển xã Gia Luận (huyện Cát Hải, Hải Phòng), máy bay trực thăng Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng Miền Bắc (thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Binh đoàn 18 Bộ Quốc phòng) gặp nạn.

Lực lượng chức năng xác định trên máy bay có 5 người tử nạn gồm ông Chu Quang Minh (SN 1964), phi công và 4 hành khách gồm ông Hồ Tá L. (SN 1964, trú TP Đà Nẵng), bà Nguyễn Thị H. (SN 1963, trú TP Đà Nẵng), bà Hồ Thị O. (SN 1962, trú TP Đà Nẵng), bà Phạm Thị B. (SN 1958, trú TP Đà Nẵng).

An Na

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN