Năm 2016, Samsung Galaxy Note7 được ra mắt với hàng loạt tính năng tiên tiến, được kỳ vọng sẽ là 'bom tấn' trên thị trường smartphone. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, những báo cáo về việc Note7 phát nổ đã nhanh chóng biến siêu phẩm này thành "bom xịt", gây ra cuộc khủng hoảng lớn cho Samsung.
Samsung Galaxy Note7 từng khiến Samsung điêu đứng vì sự cố cháy nổ.
Điều tra cho thấy lỗi thiết kế pin là nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy nổ. Lỗi này không chỉ xuất hiện ở lô pin ban đầu mà còn tiếp tục xảy ra ở những lô pin thay thế, khiến Samsung phải đối mặt với làn sóng chỉ trích và mất lòng tin từ người tiêu dùng.
Điều này đã khiến Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ban hành lệnh cấm mang Galaxy Note7 trên các chuyến bay, một động thái chưa từng có tiền lệ. Samsung buộc phải thu hồi toàn bộ sản phẩm, gây thiệt hại hàng tỉ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu.
Sự cố Galaxy Note7 là một bài học đắt giá về tầm quan trọng của an toàn pin trong các thiết bị điện tử. Samsung đã phải đối mặt với hậu quả nặng nề từ việc vội vàng trong quá trình sản xuất và kiểm soát chất lượng không chặt chẽ.
Một chiếc Galaxy Note7 phát nổ do pin bị lỗi.
Sau sự cố, Samsung đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về pin và quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đây là một bước đi cần thiết để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và lấy lại niềm tin của thị trường.
Dù đã trở lại với phiên bản FE (Fan Edition), nhưng Galaxy Note7 vẫn được coi là một sản phẩm tai tiếng trong lịch sử của Samsung. Tuy nhiên, từ thất bại này, Samsung đã rút ra được bài học và thúc đẩy các quy định mới về pin nghiêm ngặt và các quy trình thử nghiệm được đổi mới của hãng.