Vì sao 3 "ông lớn NATO" không tham gia cuộc tập kích của Mỹ, Anh vào lực lượng Houthi ở Yemen?

Theo Reuters, việc 3 quốc gia NATO gồm Pháp, Ý, Tây Ban Nha không tham gia hoạt động tập kích của Mỹ, Anh vào Yemen cho thấy sự chia rẽ của phương Tây về cách đối phó với phong trào Houthi. 

Một máy bay của liên minh do Mỹ dẫn đầu tham gia tấn công vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Ảnh: Reuters

Chiến đấu cơ, tàu chiến và tàu ngầm của Mỹ, Anh đã thực hiện vụ dội bom và nã tên lửa vào hàng chục mục tiêu để trả đũa các cuộc tấn công liên tục của Houthi ở Biển Đỏ, một trong những tuyến đường thương mại bận rộn nhất thế giới.

Các quan chức Mỹ cho biết, Hà Lan, Úc, Canada và Bahrain đã hỗ trợ hậu cần cũng như tình báo cho cuộc tập kích đêm 11/1. Ngoài ra, Đức, Đan Mạch, New Zealand và Hàn Quốc đã ký một tuyên bố chung với Mỹ, Anh, Hà Lan, Úc, Canada và Bahrain nhằm bảo vệ cuộc tập kích, đồng thời cảnh báo sẽ có thêm các hành động để bảo vệ tuyến đường thương mại ở Biển Đỏ nếu Houthi không lùi bước.

Một nguồn tin của văn phòng Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết, nước này đã từ chối ký vào tuyên bố, dẫn đến việc không được yêu cầu tham gia cuộc tập kích vào Yemen.

Một nguồn tin chính phủ Ý cho biết, nước này đã được đề nghị tham gia hoạt động quân sự của Mỹ và Anh nhưng từ chối vì 2 lý do. Thứ nhất, bất kỳ sự tham gia nào của Ý đều cần có sự chấp thuận của quốc hội và việc này mất thời gian. Thứ hai, Rome muốn theo đuổi chính sách "ôn hòa" liên quan đến tình hình ở Biển Đỏ.

Reuters ngày 13/1 dẫn lời một quan chức Pháp giấu tên cho biết, Paris lo ngại, nếu tham gia hoạt động quân sự của Mỹ, Anh, Pháp sẽ mất mọi đòn bẩy có được trong các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Hezbollah và Israel. Pháp tập trung phần lớn hoạt động ngoại giao trong vài tuần gần đây để tránh leo thang căng thẳng ở Lebanon.

Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho biết, Madrid không tham gia hoạt động quân sự ở Biển Đỏ vì muốn thúc đẩy hòa bình trong khu vực.

"Mọi quốc gia phải đưa ra lý do cho hành động của mình. Tây Ban Nha luôn cam kết hòa bình và đối thoại", bà Robles nói.

Việc trái ngược quan điểm giữa các nước phương Tây về cách đối phó với Houthi xuất hiện vào tháng trước khi Mỹ và một số đồng minh phát động chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng nhằm mục đích bảo vệ các tàu dân sự qua Biển Đỏ khỏi các mối đe dọa từ Houthi. Ý, Tây Ban Nha và Pháp khi đó từ chối tham gia chiến dịch dù trước đó Mỹ tuyên bố các nước này có tham gia.

Pháp, Ý, Tây Ban Nha nằm trong top 10 quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất NATO năm 2023.

Tâm Hoa - Reuters

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN