Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thêm hơn 3.400 tỷ đồng trong ngày thị trường chứng khoán phục hồi

Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi sau phiên lao dốc, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng ghi nhận tăng hơn 3.400 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự phục hồi trong phiên giao dịch ngày 4/10, kết phiên VN-Index đóng cửa ở mức 1.128,67 điểm, tăng 10,57 điểm (0,95%) so với phiên trước. VN30-Index tăng hơn 7,6 điểm (0,68%) lên 1.138,5 điểm.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index có thêm 1,5%, còn UPCOM-Index tăng gần 1%. Thanh khoản toàn thị trường đạt gần 17.400 tỷ đồng, trong đó thanh khoản trên sàn HoSE ghi nhận gần 15.000 tỷ đồng, giảm hơn 7.400 tỷ đồng so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua ròng gần 188 tỷ đồng.

Trong ngày phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup là mã đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với gần 1,6 điểm khi mã này tăng 3,6%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, VIC đóng cửa ở mức giá 46.100đ/cổ phiếu.

Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng hơn 3.400 tỷ đồng cùng đà phục hồi của cổ phiếu VIC

Với việc đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu hơn 2,155 tỷ cổ phiếu VIC, khối tài sản của người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận mức tăng thêm hơn 3.449 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch, tỷ phú người Hà Tĩnh đang sở hữu khối tài sản có giá trị hơn 99.387 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo bảng xếp hạng các tỷ phú USD thế giới của Forbes, với đà tăng của cổ phiếu VIC trong phiên giao dịch ngày 4/10, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận tăng thêm 113 triệu USD, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang sở hữu khối tài sản trị giá 4,8 tỷ USD và đứng thứ 583 trên bảng xếp hạng các tỷ phú USD thế giới.

Sau phiên phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng giao dịch ngày 5/10 chuyên gia của chứng khoán Vietcap dự báo VN-Index có thể xuất hiện thêm một nhịp điều chỉnh giảm để kiểm định lại hỗ trợ MA200 tại vùng 1.100-1.105 điểm. Nếu lực bán không mạnh giúp chỉ số duy trì đóng cửa trên MA200 với KLGD giảm xuống, VN-Index có cơ hội thiết lập sự cân bằng ngắn hạn để xuất hiện thêm các nhịp phục hồi lên vùng kháng cự 1.135-1.160 điểm. Ngược lại, nếu lực bán vẫn mạnh và khiến VN-Index đóng cửa dưới 1.100 điểm, chỉ số sẽ phát tín hiệu bước vào khu vực thị trường giá xuống với hỗ trợ tiếp theo tại 1.020-1.060 điểm.

Chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo thị trường có khả năng nhịp hồi phục sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo (5/10) nhưng diễn biến có thể gặp khó khăn, đặc biệt là trước áp lực cản của vùng 1.140 điểm. Nhà đầu tư cần quan sát và đánh giá cung cầu khi thị trường hồi phục. Tạm thời vẫn cần cân nhắc khả năng hồi phục của thị trường để cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Tương tự, chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) cho rằng nhiều khả năng thị trường sẽ gặp rung lắc trong phiên 5/10, tuy nhiên, nhịp hồi phục có thể trở nên rõ ràng hơn khi VN-Index vượt qua vùng kháng cự 1.130-1.140 điểm. Nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp, hạn chế mua đuổi, và tận dụng các nhịp hồi phục để cơ cấu lại cổ phiếu trong danh mục.

Lạc quan hơn, chuyên gia CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng kháng cự 1.145-1.150 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có dấu hiệu giảm dần cho thấy áp lực giảm của hai nhóm cổ phiếu này có thể sẽ giảm dần trong những phiên giao dịch tới.

Điểm tích cực là mức độ thanh khoản có sự cải thiện hơn so với các nhịp hồi trước đó cho thấy lực cầu đang cải thiện và nhịp hồi có dấu hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên, rủi ro chung vẫn ở mức cao cho nên các nhà đầu tư chỉ nên mua thăm dò với tỷ trọng thấp.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, trong ngắn hạn, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể dừng bán, nhưng chỉ nên mua thăm dò với tỷ trọng thấp.

Hoàng Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN