Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk không ủng hộ Ukraine tấn công Crimea.
"Ở thời điểm đó, mạng lưới liên lạc vệ tinh Starlink không hoạt động ở Crimea", ông Musk nói, theo Sputnik. "Lý do mà Starlink không hoạt động ở đó là vì lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga".
Theo ông Musk, các công ty Mỹ không thể cung cấp dịch vụ hay hoạt động ở Nga, bao gồm bán đảo Crimea, trừ khi có sự cho phép từ chính phủ. "Chúng tôi không hề được chính phủ Mỹ cho phép làm điều đó", ông Musk nói.
Tỷ phú Elon Musk cũng tiết lộ yêu cầu mà Ukraine đưa ra theo cách bất ngờ. "Ukraine không hề báo trước cho chúng tôi hay hỏi han trước. Chúng tôi đơn giản là nhận được cuộc gọi khẩn từ chính phủ Ukraine, yêu cầu chúng tôi bật mạng lưới vệ tinh Starlink ở Crimea", ông Musk nói.
"Chúng tôi hỏi lại rằng chính phủ Ukraine nói vậy là sao? Và rồi chúng tôi nhận ra đây là một kiểu tấn công hạm đội Nga ở Sevastopol giống với sự kiện Trân Châu Cảng. Ukraine khi đó muốn chúng tôi tham gia vào hành động leo thang xung đột", ông Musk nói thêm.
"Chúng tôi chắc chắn có sự đồng cảm và ủng hộ rất lớn với Ukraine. Nhưng chính phủ Ukraine không thể ra lệnh cho các công ty hay người dân ở Mỹ. Làm như vậy là không đúng", ông Musk cho biết.
Bình luận về việc đài CNN của Mỹ đặt câu hỏi với Ngoại trưởng Antony Blinken về vấn đề "tỷ phú Musk phá hỏng cuộc tấn công của Ukraine", ông Musk nói: "Ông Blinken rất tỉnh táo, không để bị CNN dẫn dắt".
Câu trả lời của Ngoại trưởng Mỹ chỉ xoay quanh dịch vụ internet vệ tinh Starlink quan trọng như thế nào với Ukraine và với các hoạt động quân sự của Kiev.
Hôm 10/9, Ukraine dường như đã tìm ra cách mới để tấn công tàu chiến Nga ở Crimea. Theo Bộ Quốc phòng Nga, Kiev đã phóng 10 tên lửa. 7 trong số này bị đánh chặn nhưng có 3 quả tên lửa đánh trúng nhà máy đóng tàu Nga ở Sevastopol, gây hư hại cho 2 tàu chiến.