Triều Tiên tuyên bố phóng hai tên lửa hành trình chiến lược từ tàu ngầm vào ngày 12/3.
Theo Reuters, cụm từ "chiến lược" mà KCNA đề cập tới thường dùng để mô tả các tên lửa có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân.
KCNA tuyên bố vụ phóng tên lửa đã khẳng định độ tin cậy của hệ thống và giúp đánh giá năng lực lực lượng tàu ngầm đóng vai trò răn đe hạt nhân.
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc tuyên bố quân đội được đặt trong tình trạng báo động cao, đang nỗ lực cùng phía Mỹ để xác định các thông tin chi tiết về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
KCNA nói tên lửa hành trình chiến lược được phóng từ tàu ngầm "8.24 Yongung" ở vùng ven biển phía đông. Tên lửa bay xa khoảng 1.500km trước khi đánh trúng mục tiêu trên biển.
Triều Tiên sở hữu môt số tàu ngầm "8.24 Yongung", thường được sử dụng làm bệ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo.
Vụ phóng tên lửa ngày 12/3 khẳng định quyết tâm của Bình Nhưỡng trong việc kiểm soát tình hình ở bán đảo, khi "Mỹ và Hàn Quốc ngày càng công khai diễn tập quân sự chống Triều Tiên".
Hôm 13/3, Mỹ và Hàn Quốc khởi động cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày mang tên "Lá chắn Tự do 23". Cuộc tập trận có quy mô lớn nhất kể từ năm 2017, nhằm tăng cường thế trận phòng thủ của lực lượng đồng minh, bao gồm các cuộc diễn tập đổ bộ trên thực địa.
Triều Tiên lần đầu thử nghiệm tên lửa hành trình chiến lược với khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào tháng 9/2021. Tháng 10/2022, Triều Tiên tiếp tục phóng 2 tên lửa loại này, bay xa khoảng 2.000km.
Vụ phóng ngày 12/3 là lần gần nhất Triều Tiên phóng thử tên lửa. 3 ngày trước, Triều Tiên đã phóng ít nhất 6 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển Hoàng Hải.