Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu của Israel đưa ra đánh giá tác động của cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) đối với lượng rác thải điện tử mà công nghệ này tạo ra khi hết vòng đời. Dự báo đến cuối thập kỷ này, AI có thể thải ra tới 5 triệu tấn rác thải mỗi năm, phần lớn trong số đó sẽ không thể tái chế.
Lượng rác thải điện tử mà Trái Đất hứng chịu sau mỗi năm là rất lớn.
Theo ước tính, thế giới sản xuất ít nhất 60 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm, bao gồm từ máy giặt, máy điều hòa không khí đến máy tính và điện thoại. Sự gia tăng từ 1,2 đến 5 triệu tấn rác thải do AI sẽ chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn khi mà vấn đề xử lý và tái chế chất thải an toàn vẫn chưa được giải quyết.
Trước thực trạng đó, cần có giải pháp giúp giảm thiểu vấn đề này. Trước hết, cần nhận thức rằng việc tái chế không miễn phí. Chất thải điện tử chứa nhiều chất độc hại như thủy ngân, cadmium và chì, điều này đòi hỏi các điều kiện đặc biệt để xử lý an toàn. Hiện nay việc tái chế chủ yếu diễn ra ở các nước nghèo, nơi mà an toàn và bảo vệ môi trường thường bị bỏ qua. Các kim loại quý như vàng, bạc và đồng bị thu hồi, trong khi chất thải độc hại thường bị vứt bỏ bừa bãi, đặc biệt là ở các quốc gia Đông Nam Á và Châu Phi.
Điều này đòi hỏi những công nghệ tái chế được triển khai khẩn cấp.
Trong lĩnh vực AI, phần lớn rác thải điện tử sẽ đến từ card màn hình, bộ xử lý, bo mạch và thiết bị lưu trữ, vốn có tuổi thọ sản xuất chỉ khoảng 2 năm. Các nhà thiết kế có thể phát triển các giải pháp nâng cấp để kéo dài tuổi thọ của thiết bị lên tới 5 năm, đồng thời thiết kế các thành phần dễ tái chế hơn khi hết thời gian sử dụng. Với chiến lược đúng đắn, các giải pháp có thể tái chế tới 86% rác thải điện tử do AI tạo ra, trong khi hiện tại chỉ có hơn 22% được tái chế.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh rằng các công ty và nhà sản xuất cần phải chịu trách nhiệm về tác động môi trường và xã hội từ sản phẩm của họ. Chỉ bằng cách này mới có thể đảm bảo rằng công nghệ mà chúng ta dựa vào không gây hại cho sức khỏe con người và hành tinh.