Trả lời về điểm mạnh điểm yếu khi đi phỏng vấn theo cách khôn ngoan

Trong phỏng vấn nhà tuyển dụng thường đặt ra câu hỏi về ưu – khuyết điểm với mục đích tìm hiểu ứng viên có những điểm mạnh, điểm yếu nào, có phù hợp với công việc hay không. Câu hỏi này cũng chính là cơ hội cho bạn thể hiện sự hiểu biết về bản thân một cách thấu đáo và cụ thể nhất.

Để ghi điểm với nhà tuyển dụng, bạn cần có câu trả lời thông minh và hợp lý. Hy vọng một số gợi ý dưới đây về cách trả lời các điểm mạnh điểm yếu khi đi phỏng vấn sẽ giúp bạn tìm được cách xử lý khôn khéo nhất.

Dựa vào phần mô tả để có câu trả lời

Trước khi phỏng vấn, bạn nên đọc và tìm hiểu kỹ về các tiêu chí công việc trên các trang tuyển dụng để biết được điểm nào là cần thiết ứng viên phải có và điểm nào không liên quan.

Khi nói về ưu điểm, bạn nắm rõ tiêu chí nào nhà tuyển dụng đề cao nhất thì nên đề cập đến (tùy theo mức độ giỏi của mình). Ví dụ như vị trí tuyển dụng yêu cầu thành thạo ngoại ngữ - tiếng Hàn. Như vậy bạn có thể đề cập đến năng lực Hàn ngữ của mình (nếu bạn giỏi)… Tránh đề cập ưu điểm không cần thiết cho công việc. Chẳng hạn nếu bạn ứng tuyển một vị trí công việc bình thường không yêu cầu phải giỏi thể thao, năng khiếu hát hò nhưng lại đưa ra câu trả lời “ngoài lề” như “Tôi có ưu điểm là chơi thể thao giỏi” hoặc “Tôi có giọng hát hay”... Những điều này không nói lên được năng lực hay sự phù hợp của bạn cho công việc.

Khi trả lời về nhược điểm, bạn nên lựa chọn điều không ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Chẳng hạn như bạn có thể đề cập điểm yếu của mình là kỹ năng thuyết trình trước đám đông còn hạn chế nếu vị trí công việc không yêu cầu.

Có dẫn chứng đi kèm để tăng hiệu quả

Khi nói về ưu điểm, bạn nên đưa dẫn chứng đi kèm như: số liệu, dự án, sự thành công, hiệu suất công việc mang đến… sẽ có tính thuyết phục cao hơn.

Bên cạnh đó, khi nói về khuyết điểm, bạn nên trình bày với thái độ chân thành và cầu thị nhất. Bạn có điểm nào còn hạn chế, điều đó có ảnh hưởng công việc không, bạn đã khắc phục được mức độ nào.

Một ví dụ bạn có thể áp dụng khi nói về khuyết điểm như: Trước đây tôi là người hấp tấp, nóng vội. Trong dự án ra mắt sản phẩm mới, tôi “góp phần” cùng với nhóm làm thiệt hại doanh số 2% ở quý đầu. Kể từ đó tôi học được cách kiểm soát bản thân, làm việc thận trọng và đã không ngừng tăng doanh số liên tiếp ở các quý tiếp theo lên đến 5%.

Diễn đạt khuyết điểm theo cách nói tích cực

Có nhiều cách để bạn trình bày về điểm còn hạn chế của bản thân, trong đó nói với thái độ tích cực và “nói giảm” là một gợi ý. Chẳng hạn thay vì nói “Tôi quá nhạy cảm, hay suy nghĩ, thiếu cởi mở khi mới tiếp xúc với ai đó”, bạn có thể nói: Tôi khá ít nói nên đồng nghiệp mới tiếp xúc sẽ thấy khó gần. Tuy nhiên khi đã quen biết thì rất vui vẻ và thích gắn kết với mọi người. Hoặc “Khả năng tiếng Anh của tôi chỉ ở mức trung bình, tôi đang theo luyện học với giáo viên nước ngoài để nâng trình lên cao hơn…”

Điều này có nghĩa là khi bạn nói về khuyết điểm của bản thân, nên hạn chế dùng các từ khô khan và có tính nhấn mạnh hơn vì sẽ dễ phơi bày điểm yếu. Ngoài ra nói về điểm yếu một cách tích cực và hướng đến việc đang (hoặc đã) khắc phục sẽ tạo được sự thiện cảm với nhà tuyển dụng.

Trung thực, không khoa trương

Trả lời các câu hỏi về điểm mạnh điểm yếu khi đi phỏng vấn, bạn cần khéo léo nhưng cũng cần trung thực. Tuyệt đối tránh khoác lác, tự tâng bốc bản thân một cách khoa trương thái quá, đặc biệt là ở phần ưu điểm.

Một số ứng viên vì muốn được nhà tuyển dụng đánh giá cao mà thổi phồng bản thân, nâng lên cấp độ giỏi một số kỹ năng mà bản thân không có; “tự phong” chức danh (như quản lí nhóm, đội, trưởng phòng, tổ trưởng…); tự vẽ ra thành tích đạt được ở công ty cũ (đứng đầu doanh số tháng, nhân viên xuất sắc, quản lý giỏi…). Tốt nhất bạn chỉ nên nói về những ưu điểm mà bản thân thực sự sở hữu. Bởi vì khi bạn nói dối để được tuyển dụng thì trong công việc về sau sẽ gặp nhiều khó khăn vì năng lực bạn không đáp ứng được.

Khi trả lời câu hỏi về điểm mạnh điểm yếu khi đi phỏng vấn, bạn nên xem đây là cơ hội tuyệt vời để tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng nhằm nắm bắt được cơ hội việc làm yêu thích. Mong rằng với các gợi ý trên đây, bạn đã biết cách để đưa ra câu trả lời thông minh nhất.

Đặng Hảo

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN