Ảnh chụp vệ tinh căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở tỉnh Latakia, Syria hôm 8/12. Ảnh: Planet Labs Inc/Reuters.
Đồn đoán Nga rút lui khỏi Syria
Gần đây, sự xuất hiện của 3 máy bay vận tải Il-76 và máy bay An-124 tại căn cứ không quân Khmeimim ở Syria đã làm dấy lên suy đoán về việc Nga đang tiến hành sơ tán binh sĩ, trang thiết bị vũ khí. Những suy đoán này được củng cố khi tình báo Ukraine đưa ra nhận định Nga đang thực hiện “chiến dịch rút lui ở Syria”.
Nhưng theo FT, Nga vẫn đang duy trì sự hiện diện tại quân cảng Tartus và căn cứ không quân Khmeimim cho đến ngày 10/12 vì đây là hai căn cứ chiến lược giúp Moscow mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi.
Ảnh chụp vệ tinh hôm 10/12 không có dấu hiệu các lực lượng Nga đang rút lui khỏi Syria. Trước đó, Điện Kremlin nói tương lai của các căn cứ Nga ở Syria phụ thuộc vào tiến trình đàm phán với chính quyền mới của phe đối lập.
Pavel Luzin, chuyên gia tại Đại học Tufts ở Mỹ, đánh giá Nga vẫn sẽ duy trì sự hiện diện ở Syria chừng nào còn có thể. “Việc mất các căn cứ ở Syria khiến Nga mất đi sự hiện diện thường trực tại Địa Trung Hải, cũng như mất đi điểm trung chuyển và hậu cần cho các hoạt động ở châu Phi”, ông Luzin nói trên tờ FT.
Theo báo Anh, Nga dường như đã từ bỏ một số tiền đồn rải rác trên lãnh thổ Syria để tập trung duy trì sự hiện diện ở hai căn cứ Khmeimim và Tartus. “Rõ ràng là Nga muốn duy trì một sự hiện diện, ít nhất mang tính biểu tượng tại các căn cứ này. Nhưng điều đó có xảy ra hay không phụ thuộc vào diễn biến của tiến trình chính trị tại Syria”, ông Luzin nói.
Andrei Medvedev, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng ở Nga, viết trên mạng xã hội Telegram: “Dĩ nhiên, nếu chúng ta mất căn cứ ở Syria, chúng ta sẽ mất luôn ảnh hưởng ở châu Phi. Không có cách nào vận chuyển hàng hóa quân sự bằng đường hàng không từ Nga tới Cộng hòa Trung Phi hay Mali”, Andrei viết.
Nga không có dấu hiệu rút khỏi Syria
Hình ảnh vệ tinh và các dữ liệu hàng không xác nhận có các máy bay vận tải cỡ lớn hạ cánh xuống căn cứ Khmeimim trong những ngày qua. Nhưng theo các nhà phân tích, nhịp độ đến và đi của các máy bay không nhất quán với một “chiến dịch rút lui”. Không có tàu nào đến quân cảng Tartus để sơ tán thiết bị hoặc nhân sự.
“Chưa thể đi đến kết luận rằng Nga đang rút quân khỏi Syria chỉ dựa vào tần suất đến và đi của các máy bay vận tải quân sự. Nếu Nga thực sự phải rút lui, lẽ ra chúng ta sẽ thấy nhiều tàu xuất hiện ở cảng Tartus để vận chuyển thiết bị”, Dara Massicot, chuyên gia Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Mỹ, nhận định. “Tôi vẫn duy trì quan điểm rằng nếu có một cuộc di tản đang diễn ra, chúng ta chắc chắn sẽ biết".
Trước đó, ảnh chụp vệ tinh của công ty Planet Labs, Maxxar Technologies và NASA cho thấy các tàu chiến Nga rời cảng Tartus để thả neo cách khu vực ngoài khơi Syria khoảng 10km. Ảnh chụp vệ tinh do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cung cấp cũng cho thấy tàu tên lửa Nga hiện diện ngoài khơi Syria.
“Nga không muốn các tàu này trúng đạn lạc nên họ di chuyển tàu chiến ra khu vực xa bờ”, bà Massicot giải thích.
Nếu Nga không đạt được thỏa thuận với phe đối lập Syria và buộc phải chấm dứt sự hiện diện, các tàu chiến sẽ phải trải qua hành trình dài để quay về nước do nhiều khả năng không thể đi vào Biển Đen vì lệnh cấm của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong trường hợp như vậy, căn cứ gần nhất của Nga sẽ là Kaliningrad ở vùng biển Baltic - một hành trình dài liên quan đến vấn đề tiếp nhiên liệu trên một tuyến đường bao quanh bởi các nước thành viên NATO.