Tiết lộ mới về đàm phán Mỹ - Ukraine liên quan thỏa thuận khoáng sản

Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ukraine về thỏa thuận khoáng sản diễn ra trong bầu không khí căng thẳng và có nguy cơ ảnh hưởng đến tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh minh họa.

Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ukraine về thỏa thuận khai thác khoáng sản diễn ra trong bối cảnh căng thẳng, với một nguồn tin mô tả quá trình thương lượng là “rất đối đầu”, Reuters đưa tin. Mỹ và Ukraine đã bắt đầu các cuộc “tham vấn kỹ thuật” về thỏa thuận khoáng sản vào ngày 11/4.

Theo nguồn tin, căng thẳng bắt nguồn từ đề xuất của chính quyền ông Donald Trump về việc thành lập một quỹ đầu tư chung với quyền kiểm soát sâu rộng đối với tài nguyên thiên nhiên của Ukraine — mức độ kiểm soát được cho là lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. Nguồn tin gọi đề xuất này là “tối đa hóa” lợi ích phía Mỹ và cho rằng khó có khả năng tạo đột phá trong vòng đàm phán kỹ thuật mới.

Thỏa thuận hiện tại còn gây lo ngại do có thể xung đột với thỏa thuận khai thác nguyên liệu thô mà Ukraine đã ký với Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2021. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực của Ukraine trong việc gia nhập EU. Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã kêu gọi một thỏa thuận Mỹ - Ukraine “có lợi cho cả đôi bên” và không làm tổn hại đến các cam kết hội nhập châu Âu của Kiev.

Tình hình thêm phần phức tạp sau cuộc gặp gây tranh cãi tại Phòng Bầu dục giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó Tổng thống JD Vance và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào cuối tháng 3. Dự thảo thỏa thuận sửa đổi sau đó bị Ukraine phản ứng mạnh vì có thể khiến Kiev mất quyền kiểm soát không chỉ khoáng sản đất hiếm mà cả dầu khí.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tư pháp Ukraine hồi tuần này đã thuê hãng luật quốc tế Hogan Lovells của Mỹ - Anh để hỗ trợ pháp lý trong quá trình đàm phán. Công ty luật này có trụ sở ở cả Washington D.C (Mỹ) và London (Anh).

Đây là động thái cho thấy Ukraine đang tìm kiếm chỗ dựa về mặt pháp lý nhằm đảm bảo thỏa thuận không ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích quốc gia.

Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ tại Ukraine, ông Keith Kellogg, lại khẳng định việc nối lại đàm phán cho thấy quan hệ giữa Washington và Kiev đang "quay lại đúng hướng". Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận phía Mỹ đã đánh giá chưa đầy đủ mức độ phức tạp của thỏa thuận. “Đây không phải là câu chuyện đơn giản là ‘có’ hay ‘không’. Nhiều người đã không hiểu quy trình cho một thỏa thuận như vậy”, ông nói.

Nhật Minh - Reuters

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN