Phiên giao dịch ngày 5/2, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận diễn biến tích cực khi chỉ số VN-Index ghi nhận tăng thêm 13,51 điểm để đóng cửa ở mức 1.186,06 điểm, mức cao nhất trong vòng hơn 4 tháng qua. Trong đó, động lực chính phía sau đà tăng là việc dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, thanh khoản giảm nhẹ, với giá trị khớp lệnh HoSE gần 17.000 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index diễn biến trái chiều khi giảm 0,28 điểm (-0,12%) xuống 230,28 điểm, trong khi UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,17%) lên 88,53 điểm.
Trong ngày dòng tiền ùn ùn đổ vào cổ phiếu ngành ngân hàng, mã cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu do ông Trần Hùng Huy giữ vị trí Chủ tịch cũng có phiên giao dịch tích cực. Cổ phiếu ACB ghi nhận tăng thêm 1.550đ/cổ phiếu, tương đương mức tăng 5,9% so với phiên liền trước. Không chỉ tăng mạnh về giá, thanh khoản của ACB cũng tăng vọt với hơn 28,1 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay. Mức thanh khoản cao nhất của mã cổ phiếu này kể từ phiên giao dịch ngày 7/8/2023.
Khối tài sản của Chủ tịch Trần Hùng Huy tăng mạnh cùng đà tăng của cổ phiếu ACB
Mức tăng ấn tượng của cổ phiếu ACB trong phiên giao dịch ngày 5/2 không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông ngân hàng, mức tăng này cũng giúp khối tài sản của Chủ tịch Trần Hùng Huy ghi nhận tăng thêm hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, với việc đang trực tiếp nắm giữ hơn 133 triệu cổ phiếu, khối tài sản của tiến sĩ 46 tuổi này ghi nhận tăng thêm hơn 206 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 5/2, khối tài sản của ông Huy trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 3.700 tỷ đồng.
Cổ phiếu ACB tăng mạnh trong bối cảnh ngân hàng này góp mặt trong câu lạc bộ những nhà băng ghi nhận lãi trước thuế từ 20.000 tỷ đồng trở lên trong năm 2023. Cụ thể, trong năm 2023, ACB ghi nhận lãi trước thuế đạt trên 20.068 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 16.045 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ACB 18% so với đầu năm, lên mức 718.794 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt gần 488.000 tỷ đồng, tăng 18%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 10 năm trở lại đây của ngân hàng. Tiền gửi khách hàng đạt hơn 482.702 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 tăng gần gấp đôi cùng kỳ, từ hơn 3.044 tỷ đồng lên 5.886 tỷ đồng; trong đó tổng nợ có khả năng mất vốn và nợ nghi ngờ là hơn 4.900 tỷ đồng, tăng tới 88% so với đầu năm. Chỉ số này kéo theo tỷ lệ nợ xấu của ACB tăng từ 0,7% hồi đầu năm lên 1,22%.
Sau phiên tăng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ đà tăng ấn tượng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 6/2, chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap dự báo chỉ số VN-Index có thể sẽ điều chỉnh giảm nhẹ về vùng 1.180-1.183 điểm để hấp thụ lượng cố phiếu giá rẻ ngày thứ Sáu sẽ về tài khoản nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hiệu ứng tâm lý trước kỳ nghỉ Tết cũng sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của bên mua. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ tích cực hơn sau kỳ nghỉ Tết. Khi đó, VN-Index sẽ tiếp xu hướng tăng hiện tại để hướng lên kháng cự tiếp theo tại 1.205-1.210 điểm.
Tương tự, chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp. Điểm tích cực là thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và nếu thị trường duy trì đà tăng trong phiên kế tiếp thì chỉ số VN-Index có thể sẽ vượt được hoàn toàn mức kháng cự 1.187 điểm (đỉnh cũ tháng 01/2024). Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng, đặc biệt chúng tôi đánh giá xu hướng ngắn hạn của chỉ số nhóm ngân hàng đã tích cực hơn cho nên các nhà đầu tư có thể chú ý nhóm cổ phiếu này trong ngắn hạn.
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) nhận định thị trường có 2 cây nến tăng điểm liên tiếp tạo ra mô hình phủ nhận phiên giảm ngày 31/01. Các chỉ số động lượng như MFI và RSI cho thấy tín hiệu phản ứng tốt tại các đường xu hướng và đang có xu hướng gia tăng trở lại, cho thấy động lực tăng điểm của thị trường sẽ còn tiếp diễn trong phiên 06/02. Xu hướng thị trường sẽ quay trở lại kiểm định vùng kháng cự 1.190 – 1.211 điểm (trading gap cũ từ hồi tháng 9/2023). Đây sẽ là ngưỡng kháng cự quan trọng của thị trường và cần kiểm định lại. Nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường.
Trong khi đó, chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) đánh giá dù vừa có phiên tăng điểm mạnh nhưng VN-Index vẫn đang nằm trong tầm ảnh hưởng của vùng cản quanh 1.185 điểm (+/-10đ) và rủi ro đảo chiều điều chỉnh cần được lưu ý trong những phiên tới. Kịch bản tạo đỉnh ngắn hạn chỉ được giảm thiểu nếu chỉ số có thể vượt qua được cận trên của vùng kháng cự mà không chịu một nhịp thoái lui rõ nét ngay sau đó. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn và chỉ mua lại trong nhịp điều chỉnh sau đó hoặc khi rủi ro tạo đỉnh đã được giảm thiểu.