Lesotho chịu thuế quan cao nhất từ Mỹ
Lesotho, một quốc gia nhỏ bé ở miền Nam châu Phi với GDP chỉ hơn 2 tỷ USD, bất ngờ trở thành mục tiêu bị đánh thuế cao nhất theo chính sách thuế quan "có đi có lại" của ông Trump. Nguyên nhân xuất phát từ công thức tính thuế mới của Mỹ: lấy mức thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với một nước, chia cho tổng giá trị hàng hóa mà nước đó xuất sang Mỹ, rồi chia đôi để ra mức thuế quan.
Công thức này đã khiến nhiều nền kinh tế nhỏ và nghèo bị đánh thuế nặng, chẳng hạn như Madagascar với mức thuế 47%, Campuchia 49% và Lesotho bị áp thuế kỷ lục 50%.
Lesotho có thặng dư thương mại với Mỹ nhờ xuất khẩu kim cương và hàng dệt may, trong đó có quần jean Levi’s. Riêng năm 2024, nước này xuất khẩu 237 triệu USD sang Mỹ, chiếm hơn 10% GDP.
Ngành dệt may của Lesotho sử dụng khoảng 40.000 lao động, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu và là trụ cột kinh tế của quốc gia này. Khi mức thuế 50% có hiệu lực, các nhà máy có thể phải đóng cửa, kéo theo hệ lụy lớn đến các ngành liên quan như bán lẻ thực phẩm, bất động sản cho thuê và hàng loạt công việc phụ thuộc vào ngành sản xuất.
CEO Quỹ Khu vực tư nhân Lesotho, Thabo Qhesi, lo ngại: "Nếu các nhà máy đóng cửa, nền kinh tế của chúng tôi sẽ sụp đổ."
Theo Nhà Trắng, phương pháp tính thuế quan mới phản ánh tất cả các rào cản thương mại mà mỗi quốc gia áp đặt lên hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cách tính này là vô lý và có thể gây hại nhiều hơn là thúc đẩy công bằng thương mại.
Mary Lovely, chuyên gia tại Viện Peterson, ví von: "Nó giống như chẩn đoán ung thư nhưng lại kê thuốc dựa trên công thức cân nặng chia cho tuổi. Từ ‘có đi có lại’ hoàn toàn sai lệch."
Không chỉ các nước nghèo, ngay cả Liên minh châu Âu cũng bị áp mức thuế 20% - gấp 4 lần mức thuế trung bình 5% mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tính toán. Điều này khiến nhiều nước hoài nghi về tính minh bạch và khả năng đàm phán của chính sách này.

Mokema, Lesotho.
Có cơ hội nào để Lesotho và các nước bị ảnh hưởng thương lượng với Mỹ?
Một số chuyên gia cho rằng chính quyền ông Trump có thể dùng mức thuế cao này làm "đòn bẩy" để buộc các nước phải đàm phán từng điều khoản riêng với Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, Washington chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy sẽ có sự linh hoạt trong việc điều chỉnh thuế quan.
Stephen Adams, cựu cố vấn thương mại châu Âu, nhận định: "Cách tiếp cận này hoàn toàn máy móc. Không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẵn sàng điều chỉnh nếu một quốc gia thay đổi chính sách thương mại của họ."
Trong khi đó, chính phủ Lesotho vẫn chưa có phản ứng chính thức trước mức thuế kỷ lục này. Ngoại trưởng nước này trước đó đã cảnh báo rằng nền kinh tế vốn đang phụ thuộc vào viện trợ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, có thể càng thêm lao đao.