Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam ước tính đạt quy mô 23 tỷ USD năm 2022 và đang trên đà đạt 50 tỷ USD vào 2025, với mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Việt Nam tiếp tục là thị trường đầy tiềm năng, khi số liệu cho thấy ít nhất 75% người dùng cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng hoặc sử dụng với tần suất nhiều hơn các dich vụ kỹ thuật số như dịch vụ vận tải, dịch vụ giao đồ ăn, mua hàng tạp hóa trực tuyến và thương mại điện tử trong vòng 12 tháng tiếp theo.
Dù vậy, trước những yêu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng và những biến động từ kinh tế vĩ mô, việc làm sao để giữ chân người dùng và chi phí các doanh nghiệp bỏ ra để thu hút người dùng mới ngày càng đắt đỏ. Điều này đã và đang trở thành một thách thức lớn đối với các nền tảng. Và câu chuyện hợp tác trong lĩnh vực công nghệ bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn.
Người dùng vẫn tiếp tục ủng hộ các dịch vụ kỹ thuật số như vận tải, giao đồ ăn, mua hàng trực tuyến
Thực chất, đây không phải là hướng đi mang tính nhất thời mà là cách tiếp cận chiến lược để phát triển bền vững. Trong một thị trường đầy cạnh tranh và có tốc độ phát triển nhanh, điều này giúp giải quyết vấn đề về việc làm thế nào mang đến các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng kỳ vọng của người dùng một cách nhanh nhất với hiệu suất cao nhất.
Ví dụ, theo McKinsey, trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số, hợp tác giữa các tổ chức ngân hàng truyền thống với các fintech và công ty công nghệ giúp các ngân hàng đẩy nhanh quá trình giới thiệu các tính năng mới dành cho khách hàng. Ở chiều ngược lại, các fintech và các công ty công nghệ đang tập trung vào tìm kiếm và giữ chân khách hàng đã bắt đầu nhìn thấy hợp tác với các ngân hàng là một bước đi hiệu quả để hiện thực hóa mục tiêu này.
Do những lợi ích to lớn dành cho các bên tham gia, thị trường ngày càng chứng kiến nhiều sự hợp tác giữa các công ty công nghệ có cùng tầm nhìn, định hướng.
Nổi bật gần đây chính là sự kết hợp giữa Grab Việt Nam và ZaloPay - hai hệ sinh thái công nghệ hàng đầu tại Việt Nam. Cả hai doanh nghiệp đều đặt mục tiêu mang đến những giải pháp giúp người Việt có thể trải nghiệm các dịch vụ hằng ngày một cách tiện lợi, dễ dàng nhất, góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nước.
Người dùng Grab đã có thể lựa chọn ZaloPay làm phương thức thanh toán
Thành quả bước đầu của sự hợp tác này là sự đa dạng hóa lựa chọn thanh toán không tiền mặt dành cho người dùng Grab. Đối với người dùng Ví điện tử ZaloPay, phạm vi sử dụng ví của họ được mở rộng sang các dịch vụ hằng ngày trên ứng dụng Grab tại Việt Nam. Điều này giúp cho thanh toán không tiền mặt trở nên thiết thực, hấp dẫn hơn trong mắt người dùng hiện hữu và tiềm năng của cả hai nền tảng.
Theo đại diện của hai hệ sinh thái, bước đi này không chỉ dừng lại ở việc tích hợp ví ZaloPay vào Grab mà hai bên còn hướng đến việc đồng hành lâu dài, cùng chia sẻ về năng lực công nghệ, đầu tư về tài chính, con người và kinh nghiệm thực tiễn để mang tới nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích hơn.
Được biết, Grab Việt Nam và ZaloPay đang thảo luận để mở rộng phạm vi liên kết, tận dụng thế mạnh của cả hai nền tảng để giải quyết nhiều bài toán nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao dịch không dùng tiền mặt trên cả hai nền tảng.
Hợp tác của Grab và ZaloPay ít nhiều cho thấy tầm quan trọng của việc lựa chọn đối tác phù hợp. Việc kết hợp hai nền tảng có thế mạnh riêng để tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ phong phú, gắn bó mật thiết với các nhu cầu hàng ngày và khai thác thêm các phân khúc khách hàng mới, cùng hỗ trợ nhau cải thiện trải nghiệm khách hàng có thể chính là chìa khóa cho sự thành công bền vững.