Sáng 25/10, VN-Index khởi đầu khá suôn sẻ, duy trì được sắc xanh trong phần lớn thời gian. Tuy nhiên, sau 14 giờ, lực bán bắt đầu xuất hiện. Động thái bất ngờ này khiến cho nhà đầu tư bị “lung lay” tâm lý và đua nhau đua lệnh “thoát hàng”.
Thanh khoản ảm đạm đã kéo dài suốt trong thời gian gần đây
Kết thúc phiên 25/10, chỉ số VN Index giảm 4 điểm (-0,38%), xuống 1.101 điểm. Thanh khoản trên sàn HoSE tuy tăng nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp khi chỉ có 539 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương ứng giá trị 11.000 tỉ đồng.
Thực tế, thanh khoản ảm đạm đã kéo dài suốt trong thời gian gần đây. Từ mức bình quân trên 20.000 tỷ đồng, thậm chí có những phiên khớp lệnh chạm ngưỡng tỷ đô, giá trị khớp lệnh trên HOSE đã liên tục tụt dốc xuống dưới mức 13.000 tỷ đồng từ đầu tháng 10 đến nay.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, áp lực giảm của thị trường khiến tâm lý nhà đầu tư chưa sẵn sàng quay trở lại, cầu yếu khiến thị trường giảm sâu. Khi cung bán ra không có lượng cầu cân đối sẽ khiến thị trường tiếp nối đà giảm.
Tuy nhiên ông Minh cho biết thêm, về xu hướng trong ngắn hạn, áp lực giảm mạnh thêm nữa sẽ ít hơn. "8 ngày nữa Fed sẽ họp, khả năng không tăng lãi suất khá cao. Lợi suất trái phiếu hạ nhiệt, kịch bản chứng khoán tăng trở lại trong tháng 11 là có, dù cơ bản vẫn khó với những yếu tố bất định từ quốc tế", ông Minh nêu quan điểm.Công ty Chứng khoán VCBS thì đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng, chỉ tận dụng những nhịp bật tăng của thị trường để giải ngân lướt sóng, tránh mua cổ phiếu mới trong phiên tiếp theo.
Sau diễn biến hụt hơi của phiên 25/10, ông Nguyễn Huy Phương, Phó phòng Tư vấn khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dự báo thị trường còn gặp khó khăn, đồng thời rủi ro suy yếu trở lại luôn tiềm ẩn do dòng tiền còn hạn chế."Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu cổ phiếu; tạm thời cần cân nhắc khả năng hồi phục của thị trường để cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro" - ông Phương khuyến cáo.