Tết không sắm sửa, chi tiêu gì đã hết 32 triệu, nhìn kỹ bảng kê thấy 1 chi tiết nên thay đổi

Chia sẻ kế hoạch tiêu Tết, cặp vợ chồng đã nhận được nhiều lời khuyên cho khoản biếu Tết bố mẹ 2 bên.

Khoản tiền biếu Tết nội ngoại gây tranh cãi

Năm hết Tết đến là khoảng thời gian vui vẻ, họp mặt gia đình đầm ấm cũng như trẩy hội du xuân mà ai cũng mong đợi. Tuy nhiên, kéo theo đó là những nỗi lo về các khoản chi tiêu ngày Tết. Không chỉ mua sắm đồ ăn thức uống mà còn bao nhiêu thứ tiền phải chi, như tiền biếu gia đình nội ngoại, quà biếu người thân, tiền lì xì... Phải thừa nhận bài toán chi tiêu lúc này là vô cùng khó. 

Mới đây, tấm ảnh chụp danh sách tiêu Tết được chia sẻ trên một hội nhóm về kiến thức quản lý tài chính đang thu hút hàng triệu thành viên với nội dung: “Muốn vé cũng không thể vén nổi, tết chẳng tiêu gì cho bản thân, quần áo không, làm tóc không. Tính sương sương âm tiền. Giờ chỉ trông chờ vào mấy đồng lì xì của con để xoay vòng tiền tiêu. Chồng bảo âm tiền thì ra Tết thôi không về ngoại nữa”.

Danh sách những việc cần chi tiêu dịp Tết này liệt kê 10 đầu mục, trong đó biếu nhà nội 5 triệu, nhà ngoại 10 triệu (5 triệu gửi trả và 5 triệu biếu); lì xì 2 nhà 5 triệu; quà thắp hương nội ngoại 800 nghìn; nhập đinh cho con trai vào họ 3 triệu.

Kế đến là các khoản tiền nhà (cọc và đóng 3 tháng) 5,2 triệu; tiền xe cộ đi lại nhà ngoại 3 triệu; trả nợ 2 triệu; dự phòng 1 triệu; chuyển nhà 300 nghìn. Tổng chi phí là 35,3 triệu đồng.

Nhiều người sau khi nhìn bảng danh sách đã chỉ ra điểm bất hợp lý trong cách chi tiêu Tết của cặp đôi này.

“Biếu bố mẹ là cái rất tốt nhưng không có thì không nên cố. Với mình việc biếu Tết ông bà là mong muốn, ko phải trách nhiệm hay nghĩa vụ, có bao nhiêu thì biếu bấy nhiêu tuỳ hoàn cảnh. Biếu ông bà 2 bên 5 triệu là quá nhiều, vì các bạn còn đang thuê nhà tầm 1,4 triệu/tháng, cũng không dư dả gì”, chị Diệu Lê nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, chị Thùy Trang nói: “Tết biếu bố mẹ 2 bên là đúng rồi. Nhưng cứ thực tế mà đóng góp. Dư nhiều biếu nhiều, dư ít biếu ít, thoải mái , còn phải dành tiền cho các khoản khác.

5 triệu biếu bố mẹ mỗi bên chưa phải là quá nhiều, nhưng nếu vì cố biếu bố mẹ mà âm cả tiền thì không nên. Giảm bớt tiền biếu xuống còn 3 triệu mỗi bên nội ngoại, lì xì giảm xuống 3 triệu là dư được 6 triệu rồi. Biếu nhiều bố mẹ lại tưởng mình dư nhiều khá lắm, có khi bố mẹ lại mong cầu ở mình nhiều hơn”.

Nhà nội - nhà ngoại, quà biếu Tết bao nhiêu là đủ?

Khắp các diễn đàn mạng xã hội, nhiều chị em thảo luận ý kiến về việc biếu tiền Tết nội ngoại bao nhiêu là đủ. Mỗi gia đình sẽ tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán khác nhau để biếu quà một cách hợp lý.

Việc biếu tiền Tết nội ngoại bao nhiêu là đủ là trăn trở của nhiều gia đình.

Có cặp vợ chồng sẽ mua cây quất, cây đào, sắm sửa đồ đạc trong nhà. Có cặp vợ chồng sẽ lựa chọn biếu tiền để ông bà sắm Tết, có thể là 1-2 triệu, 3-5 triệu, 10-15 triệu... tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện.

“Năm nay điều kiện kinh tế khó khăn chung, gia đình tôi dự chi khoảng 10-12 triệu để chi tiêu Tết. Với quà biếu bố mẹ 2 bên, tôi vẫn giữ nguyên mức như các năm trước, mỗi bên 2 triệu. Ngoài ra tôi còn mua giỏ quà để biếu ông bà nữa.”, chị Nguyễn An (Hải Phòng) chia sẻ.

Theo chị An, tiền biếu Tết cho bên nội hay ngoại nhiều hay ít tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có ít biếu ít, có nhiều biếu nhiều, cốt là ở tấm lòng con cái hướng về cha mẹ.

"Mình nghĩ là không cần phải quá nhiều, mà cái chính là tấm lòng của người con đối với bố mẹ. Có thể là một khoản vừa phải để ông bà sắm Tết", chị An nói.

Tuy nhiên đối với nhiều cặp vợ chồng, quà biếu Tết là thước đo để đánh giá về kinh tế gia đình. Bởi vậy nên tiền, quà biếu Tết phải tươm tất và chu đáo để bố mẹ yên tâm. Cũng không ít gia đình đặt nặng vấn đề về chuyện biếu quà Tết hai bên nội ngoại phải là món quà đắt tiền hay phải biếu số tiền lớn, vượt quá điều kiện của hai vợ chồng. Vô hình chung, việc biếu tiền, biếu quà Tết cho bố mẹ lại trở thành gánh nặng kinh tế, khiến nhiều gia đình áp lực và xảy ra mâu thuẫn mỗi dịp cuối năm.

Theo PGS.TS Trần Thu Hương – giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), càng nói đến vấn đề kinh tế thì càng cần phải tiết kiệm. Tiết kiệm ở đây không có nghĩa là chúng ta sẽ phải tính toán nên thế này hay nên thế kia, mà là tính toán cái gì sẽ cần cho chúng ta, cần cho bố mẹ.

Do đó việc mua một món quà sẽ rất dễ nếu chúng ta tinh ý đoán định được tính cách của bố mẹ. Lúc đó sẽ dễ dàng chọn được quà, dù đắt hay rẻ nhưng mang ý nghĩa và hữu dụng.

Ngược lại, việc tặng bố mẹ tiền không mang tính hữu dụng, thực dụng. Việc này giúp thỏa mãn những mong muốn của bố mẹ, vừa thể hiện đạo hiếu của người con. Chúng ta mang tặng với sự yêu thương và chân thành thì bố mẹ sẽ tiếp nhận món quà một cách chân thành và vui vẻ.

Dưới góc độ kinh tế, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Nguyễn Thu Giang khuyến nghị, số tiền dành mua quà, biếu, mừng tuổi cho bố mẹ, anh em, người thân nên được khoánh vùng trong khoảng 20-30% tiền thưởng Tết. Nếu mua quà biếu Tết nhiều thì nên giảm tiền mừng tuổi và ngược lại để tránh trường hợp tiêu theo cảm xúc ngẫu hứng.

Vân Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN