Thị trường chứng khoán Việt Nam rung lắc rung lắc trong biên độ hẹp phiên giao dịch ngày 11/7. Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm hơn 2 điểm về 1.283,8 điểm. Chỉ số VN-Index giảm phiên thứ hai liên tiếp với 242 mã đỏ, nhiều hơn 44 cổ phiếu so với bên tăng giá. Cùng với đà giảm giá của thị trường, thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 18.500 tỷ đồng, giảm hơn 3.300 tỷ so với phiên trước. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,84 điểm để đóng cửa ở mức 2455,39 điểm, trong khi đó chỉ số Upcom-Index giảm 0,38 điểm để đóng cửa ở mức 98,32 điểm.
Trái ngược với phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam, mã cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ vị trí Chủ tịch có phiên giao dịch tích cực khi ghi nhận tăng 1,23% so với phiên liền trước để đóng cửa ở mức giá 41.100đ/cổ phiếu. Không chỉ tăng về giá, thanh khoản của mã cổ phiếu này cũng tăng mạnh so với phiên liền trước với hơn 2,74 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay với giá trị giao dịch gần 114 tỷ đồng.
Đà tăng của cổ phiếu VIC không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông trong bối cảnh thị trường giảm điểm. Theo Forbes, mức tăng của cổ phiếu VIC trong phiên giao dịch ngày 11/7, giúp khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận tăng thêm 28 triệu USD, tương đương tăng gần 660 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đang nắm giữ khối tài sản có giá trị 4,1 tỷ USD và đứng thứ 784 trên bảng xếp hạng các tỷ phú USD thế giới.
Đà tăng của cổ phiếu VIC trong phiên giao dịch ngày 11/7 giúp tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng gần 660 tỷ đồng
Cổ phiếu VIC tăng trong bối cảnh hãng xe điện VinFast muốn xây nhà máy tại Indonesia. Theo tờ The Bussiness Times, VinFast đang tìm kiếm khoản vay khoảng 250 triệu USD từ các ngân hàng Indonesia để xây dựng nhà máy lắp ráp tại Subang. Hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đang cân nhắc các lựa chọn vay bằng đô la Mỹ hoặc nội tệ.
Đây là một động thái nhằm giúp công ty này có sức cạnh tranh hơn với các nhà sản xuất xe điện khác trên toàn cầu. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường này ngày càng khốc liệt do cuộc chiến giảm giá.
Ở một động thái khác, trong văn bản mới gửi lên Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) ngày 14/6, VinFast cho biết đã quyết định đẩy nhanh việc thành lập các cơ sở sản xuất tại các thị trường mục tiêu để tận dụng các ưu đãi hấp dẫn của chính phủ.
Cụ thể, tại Ấn Độ, VinFast đặt mục tiêu cơ sở ở Thoothukudi, Tamil Nadu bắt đầu sản xuất vào nửa đầu năm 2025. Tại Indonesia, VinFast dự kiến động thổ cơ sở sản xuất trong vòng hai tháng tới và đặt mục tiêu sản xuất vào cuối năm 2025.
Sau hai phiên giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 12/7, chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap nhận định biến động mạnh có thể xuất hiện trên VN-Index. Ngưỡng hỗ trợ quan trọng trong phiên sẽ là ngưỡng 1.275-1.280 điểm. Xu hướng tăng vẫn là xu hướng chủ đạo và chỉ số hiện vẫn duy trì dao động trên các đường MA quan trọng (MA50 và MA20). Nếu lực cầu xuất hiện quanh vùng hỗ trợ, đà tăng sẽ được củng cố và chỉ số sẽ kiểm định lại mốc 1,300 điểm. Nếu lực mua vẫn không trở lại quanh vùng hỗ trợ, chỉ số sẽ kiểm định lại ngưỡng 1,240 điểm và với diễn biễn hiện tại thì xác suất kịch bản này vẫn ở mức thấp.
Chuyên gia CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) đánh giá thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co quanh mức hiện tại trong phiên 12/07. Đồng thời, Yuanta đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và thị trường vẫn đang ở giai đoạn điều chỉnh, nếu nhịp điều chỉnh tiếp tục diễn ra trong 1-2 phiên tới Yuanta kỳ vọng cầu giá thấp sẽ sớm gia tăng trở lại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mua mới.
Chuyên gia của CTCK Agribank (Agriseco Research) đánh giá nhịp điều chỉnh đang tương đối lành mạnh và chưa ảnh hưởng nhiều đến xu hướng tăng giá ngắn hạn của thị trường. Nhiều khả năng, lực cầu chủ động sẽ gia tăng trở lại khi chỉ số có nhịp rung lắc về vùng 1.270(+/-5) điểm.
Agriseco Research khuyến nghị nhà đầu tư tăng dần tỷ trọng cổ phiếu tại vùng giá hiện tại, ưu tiên các cổ phiếu thuộc nhóm ngành được kỳ vọng công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024 tăng trưởng tốt như bán lẻ, thép và nhóm xuất khẩu (gỗ, dệt may).
Chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định VN-Index đang có nguy cơ tạo đỉnh ngắn hạn, trạng thái bán tháo với thanh khoản lớn vẫn chưa kích hoạt, và nhiều khả năng quán tính giảm điểm sẽ kết thúc khi xu hướng bán chốt lời, rũ bỏ vị thế trading hạ nhiệt. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể trải lệnh mở mua từng phần vị thế trading khi chỉ số lui về các ngưỡng hỗ trợ đã đề cập.