Theo Tom’s Hardware, vào tuần trước, Argonne National Laboratory và Intel đã công bố việc lắp đặt cho siêu máy tính Aurora đã hoàn tất, hệ thống này dự kiến sẽ được triển khai hoạt động vào cuối năm 2023.
Aurora sử dụng hàng chục nghìn bộ xử lý Xeon Max “Sapphire Rapids” với bộ nhớ HBM2E, cũng như hàng chục nghìn GPU Data Center “Ponte Vecchio” để đạt được hiệu suất trên ngưỡng 2 FP64 exaFLOPS.
Hệ thống của siêu máy tính Aurora do Intel và Argonne National Laboratory xây dựng.
Cụ thể, cấu hình chi tiết của siêu máy tính mới gồm 166 rack, có 64 node trên mỗi rack, với tổng số 10.624 node. Mỗi node hoạt động trên hai CPU Xeon Max với bộ nhớ HBM2E 64GB đi kèm sáu GPU “Ponte Vecchio”. Các CPU và GPU này sẽ được làm mát bằng hệ thống tản nhiệt bằng chất lỏng được tùy chỉnh.
Tổng cộng, siêu máy tính Aurora có 21.248 CPU với hơn 1,1 triệu nhân hiệu suất cao, 19,9 petabyte (PB) bộ nhớ DDR5, 1,36 PB bộ nhớ HBM2E và 63.744 GPU điện toán.
Aurora là siêu máy tính exascale thứ hai của Mỹ cùng với siêu máy tính Frontier hoạt động trên nền tảng AMD. Exascale là thuật ngữ chỉ khả năng xử lý ít nhất 1 exaFLOP của hệ thống máy tính, tương đương 1 tỷ tỷ phép tính mỗi giây.
Thông số kỹ thuật “khủng” của siêu máy tính Aurora.
Quá trình để Aurora đi vào hoạt động chính thức được chuẩn bị từ khá lâu. Theo đó, vào năm 2015, siêu máy tính này lần đầu tiên được công bố với sức mạnh 180 petaFLOPS và dự kiến được hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, Intel đã thông báo dời thời điểm đi vào hoạt động của siêu máy tính đến năm 2021, nguyên nhân là do công ty muốn tăng sức mạnh của nó đến mức 1 exaFLOP.
Sau đó vào tháng 10/2020, Aurora tiếp tục bị hoãn thêm 6 tháng. Cho đến tháng 10/2021, Intel chính thức thông báo Aurora đã vượt ngưỡng 2 exaFLOPS. Và đến nay, việc lắp đặt siêu máy tính mới được hoàn thành.
Siêu máy tính Aurora sẽ được sử dụng để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, nghiên cứu vũ trụ, phân tích protein, tìm cách chữa trị những căn bệnh nguy hiểm, generative AI hay tìm kiếm vật liệu mới.