Một gia đình ở Rafah phải sơ tán khỏi thành phố (ảnh: Reuters)
Hôm 6/5, quân đội Israel tiến hành không kích ở một số khu vực thuộc thành phố Rafah, Reuters đưa tin.
Phóng viên hiện trường của Reuters cho hay, có khói đen bốc lên ở một số khu vực thuộc Rafah, nghi do quân đội Israel không kích hạn chế. Người dân ở Rafah cũng đưa ra thông tin tương tự.
Cùng ngày 6/5, quân đội Israel phát tờ rơi, yêu cầu người Palestine sơ tán khẩn cấp khỏi Rafah. Hơn 1 triệu người Palestine đang trú ẩn trong thành phố này.
Ngày càng có nhiều lo ngại về một cuộc tấn công quy mô lớn ở Rafah, nơi bị Israel nhắm đến từ lâu. Giới chức Israel cho rằng, Rafah là nơi trú ẩn của nhiều chiến binh và thủ lĩnh Hamas.
Đài truyền hình Al-Aqsa của Hamas hôm 6/5 đưa tin, quân đội Israel đã tập kích một số khu vực ở phía đông thành phố Rafah, gần các khu dân cư được lệnh sơ tán. Hamas cảnh báo, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Rafah sẽ không phải “cuộc dạo chơi” đối với lực lượng Israel.
Trước đó, cùng ngày 6/5, quân đội Israel phát thông báo sơ tán khẩn cấp khoảng 100.000 người ở một số khu vực thuộc Rafah. Quân đội Israel không xác nhận đây là bước đầu của kế hoạch tấn công vào Rafah.
Ông Nadav Shoshani – phát ngôn viên quân đội Israel – cho biết, khoảng 100.000 người Palestine đã được yêu cầu sơ tán đến các trung tâm nhân đạo (cách Rafah khoảng 20km).
Theo ông Shoshani, quân đội Israel đang chuẩn bị một “chiến dịch có phạm vi hạn chế” tại Rafah.
Hàng chục nghìn người ở Dải Gaza đã mất nhà cửa do xung đột và giờ họ không biết đi đâu nếu rời khỏi Rafah, theo Reuters.
“Lệnh sơ tán là hành động leo thang nguy hiểm và sẽ gây ra hậu quả”, một quan chức Hamas (giấu tên) nói với Reuters.
Khói đen bốc lên ở một số khu vực thuộc Rafah (ảnh: Reuters)
Ông Sami Abu Zuhri – quan chức Hamas – nói với Reuters: “Mỹ và Israel phải chịu trách nhiệm cho hành động này”.
Bộ Ngoại giao Pháp hôm 6/5 kêu gọi Israel không tấn công vào Rafah.
“Chúng tôi nhấn mạnh sự phản đối kiên quyết đối với cuộc tấn công của Israel vào Rafah, nơi có hơn 1,3 triệu người sinh sống trong điều kiện cực kỳ khó khăn”, Bộ Ngoại giao Pháp thông báo.
Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng, việc cưỡng bức sơ tán dân thường có thể bị coi là “tội ác chiến tranh” theo quy định của luật pháp quốc tế.
Đại diện cấp cao EU về Chính sách An ninh và Đối ngoại – ông Josep Borrell – viết trên xã hội X:
“Lệnh sơ tán của Israel đối với dân thường ở Rafah báo hiệu điều tồi tệ nhất: Thêm chiến tranh và nạn đói. Điều này là không thể chấp nhận được. EU và cộng đồng quốc tế sẽ hành động để ngăn chặn tình trạng này”.