Rắn độc đến mấy cũng không giết được lợn, thực hư thế nào?

Một số loài rắn sở hữu nọc độc nguy hiểm đến mức có thể giết chết cả voi. Nhưng đối mặt với rắn, loài lợn vốn bị coi là chậm chạp, ù lì lại tỏ ra “dửng dưng”, không chút sợ hãi.

Bức tranh cổ mô tả cảnh lợn giết rắn (ảnh: Vocal Media Earth)

Rắn sợ lợn?

Ít người biết rằng, loài lợn, vốn bị nhiều người gán cho cái mác “ngốc nghếch, lười biếng” lại là khắc tinh của loài rắn – sinh vật nguy hiểm, hung dữ bậc nhất thế giới động vật, với những cú cắn có thể gây ra cái chết đau đớn, theo Yahoo News.

Nhiều người thường nhầm lẫn khi cho rằng lợn là giống loài “ngốc nghếch”. Sự thật không phải vậy. Loài lợn trên thực tế rất thông minh. Chúng có trí nhớ tốt, mũi thính gấp 2 lần loài chó, biết trao đổi thông tin và nhận biết mối nguy.

Nếu để ý kĩ, có thể thấy những con lợn trong chuồng thường tỏ ra sợ hãi, né tránh và kêu “eng éc” để cảnh báo nếu phát hiện người đến bắt chúng đi giết thịt. Tuy nhiên, khi bắt gặp một con rắn độc, loài lợn lại tỏ ra “dửng dưng”, thậm chí còn lại gần, đánh hơi với vẻ khiêu khích.

Lý do là loài lợn không hề sợ rắn, kể cả là những con rắn độc nhất.

Rắn bị bầy lợn con trong chuồng hạ gục (ảnh: Sohu)

Đặc điểm cơ thể

Trong đa số các trường hợp khi gặp rắn độc, lợn không tránh xa mà còn lân la tới gần. Loài rắn không thích chạm mặt với các đối thủ “khó lường” như vậy. Sự đe dọa từ vẻ bề ngoài của rắn trở nên vô tác dụng với lợn.

Ngoài ra, mùi cơ thể cũng là “vũ khí bí mật” của lợn.

Theo Yahoo News, môi trường sống của lợn vô cùng hỗn loạn, bẩn thỉu và lộn xộn. Trên cơ thể chúng thường mang theo mùi hôi nồng nặc.

Trái ngược với điều đó, rắn lại là loài động vật cực kỳ sạch sẽ. Chúng thường xuyên lột xác và giữ cho làn da trơn mượt, bóng loáng. Rắn cũng là loài vật khá thông minh. Khi phát hiện nơi nào có mùi hôi thối thì chúng có xu hướng tránh càng xa càng tốt.

Lớp da dày và nhiều lông cứng của lợn cũng có thể khiến rắn “e ngại” nếu có ý định tấn công.

Theo trang tin khoa học Ifl Science, rắn có thể cắn lợn. Nhưng do lợn có lớp da dày, nhiều lông cứng và lớp mỡ dày nên nọc rắn khó có thể xâm nhập vào máu.

Theo NeuWrite San Diego (trang tin khoa học của sinh viên Đại học California, Mỹ) khi rắn tung ra cú cắn, chất độc thần kinh trong nọc rắn sẽ tấn công một loại thụ thể trong não bộ tên Acetylcholine (có chức năng dẫn truyền thần kinh), khiến nạn nhân tê liệt nhanh chóng, suy hô hấp và tử vong.

Một nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, ở những loài như lửng mật, nhím, cầy mangut và lợn, Acetylcholine (AChR) đã biến đổi để ngăn sự xâm nhập của độc tố. Điều này khiến các loài vật trên có thể sống sót sau khi bị rắn độc cắn, thậm chí trở thành thiên địch của rắn.

Theo Vocal Media Earth (trang web môi trường có trụ sở tại Mỹ), một số chủ nông trại cho rằng “rắn độc đến mấy cũng không giết nổi lợn”. Họ nghĩ trong máu lợn có một loại chất kháng nọc nào đó. Dưới góc nhìn khoa học, điều này chưa được chứng minh.

Trên thực tế, lợn nhà vẫn có thể bị ốm, thậm chí chết nếu bị rắn độc cắn. Nhưng trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.

Lợn biến rắn thành bữa ăn (ảnh: Daily Mail)

Lợn rừng – “ác mộng” thực sự của loài rắn

Theo Vocal Media Earth, khác với lợn nhà, tỷ lệ lợn rừng chiến thắng rắn trong một trận đấu tay đôi gần như là 100%.

Một điều dễ nhận thấy ở lợn rừng là da chúng rất dày, nhiều lông cứng hơn hẳn lợn nhà. Da và lông dày trở thành “tấm khiên” vững chắc, giúp lợn rừng gần như không thể bị thương trước những cú rắn của rắn độc.

Điều thứ hai, lợn rừng là một loài rất hung dữ (khác hẳn với lợn nhà). Lợn rừng ăn tạp. Chúng coi rắn là con mồi và có thể tấn công rắn để thỏa mãn cái bụng đói. Với tốc độ lên tới 48km/giờ, cân nặng 100 – 200kg và răng nanh dài 6 – 10cm, sức sát thương của lợn rừng là “cơn ác mộng” đối với nhiều loài vật, kể cả rắn độc.

Lợn rừng không hề hiền lành (ảnh: Sohu)

Kháng độc từ bên trong

Bên cạnh sức mạnh “cơ bắp”, lợn rừng còn có một cơ chế đặc biệt để vô hiệu hóa nọc rắn sau khi bữa ăn đã vào miệng.

Theo Vocal Media Earth, dạ dày của lợn rừng tiết ra một loại dịch vị cực kỳ mạnh mẽ. Loại dịch vị này có khả năng phân hủy cả nọc độc rắn (lượng độc còn sót lại ở tuyến nọc sau khi rắn cắn), cho phép lợn rừng thưởng thức bữa ăn mà không lo lắng về nguy cơ bị “ngộ độc”.

Vương Quốc – tổng hợp

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN