Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Munich, Đức, vào tuần trước.
Theo tờ Politico, các chính trị gia và quan chức chính phủ Mỹ có mặt tại Hội nghị An ninh Munich nói về nguy cơ Ukraine thất bại nếu Hạ viện không phê duyệt ngân sách trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine. Nhưng chính họ cũng thừa nhận không rõ Ukraine liệu Ukraine có thể thành công hay không nếu khoản ngân sách này được thông qua.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh sự hỗ trợ mà Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể dành cho Ukraine đang gặp trở ngại, đặc biệt khi cựu Tổng thống Donald Trump nêu quan điểm khác biệt.
Thượng nghị sĩ Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói ngân sách 60 tỷ USD sẽ tạo ra "bước ngoặt" ở Ukraine. Ông Warner từ chối cho biết liệu Ukraine sẽ đạt thành quả ra sao sau khi được hỗ trợ thêm, nhưng nhấn mạnh rằng Kiev đang trông cậy hoàn toàn vào Washington.
"Tôi nghĩ là không có giải pháp nào trong ngắn hạn, ngoài việc cung cấp vũ khí và đạn dược cần thiết cho Ukraine", ông Warner, một trong số 44 nghị sĩ Mỹ có mặt tại hội nghị ở Munich (Đức), nói.
Ukraine đang rơi vào tình thế khó khăn do thiếu đạn được và binh sĩ. Thành trì Avdiivka từng trụ vững suốt một thập kỷ, nay đã nằm trong quyền kiểm soát của Nga. Đây cũng là bước tiến đáng kể nhất mà quân đội Nga tạo ra kể từ khi kiểm soát thành phố Bakhmut vào tháng 5/2023.
"Khi người dân châu Âu nghe tin Ukraine rút khỏi Avdiivka, họ nên biết rằng Nga đã tiến thêm vài km tới chính ngôi nhà của họ", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói. "Bất cứ bước tiến nào của Nga sẽ đưa vũ khí Nga tiến gần hơn tới châu Âu".
Một số quan chức Mỹ nói cam kết của Mỹ với Ukraine không hề suy giảm. "Nga sẽ không dừng lại trừ khi bị buộc phải dừng lại", Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth nói khi tới Munich. "Chúng ta không thể để Nga làm những gì mà họ muốn".
Theo giới chức Mỹ, cách tốt nhất và duy nhất hiện nay để ngăn Nga vẫn là thông qua gói hỗ trợ ngân sách cho Ukraine, tờ Politico cho biết.
"Thông qua ngân sách hỗ trợ. Hãy ngăn chặn Nga. Ukraine biết cách để làm điều đó, hãy giúp họ", hạ nghị sĩ Jason Crow nói. Nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ có mặt ở Munich cũng cam kết với đồng minh rằng Hạ viện chắc chắn sẽ thông qua gói hỗ trợ, sớm nhất có lẽ là vào tháng 3.
Nhưng nghị sĩ Mikie Sherrill vẫn lo ngại những yếu tố khó lường một khi dự luật ngân sách cho Ukraine được dem ra bỏ phiếu ở Hạ viện. Đó là cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên tranh cử tổng thống năm nay.
"Ông Trump vẫn đang tỏ ra muốn ngăn cản lưỡng viện đạt thỏa thuận ngân sách cho Ukraine", các nghị sĩ Mỹ có mặt ở Munich nói. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng hiểu rõ điều này. "Đối với chúng tôi, gói hỗ trợ là rất quan trọng. Chúng tôi không có giải pháp nào thay thế vì chúng tôi kì vọng vào Mỹ", ông Zelensky nói trong cuộc họp với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ở Munich.
"Không có kế hoạch B nếu các nghị sĩ không thể thông qua ngân sách hỗ trợ", bà Harris đáp lời. "Chỉ có một kế hoạch, đó là kế hoạch A".
Tuy nhiên, niềm tin về những gì Ukraine có thể hoàn thành và niềm tin về sự hỗ trợ của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong hai năm. "Mỹ muốn thể hiện rằng các đồng minh đang vui vẻ hợp tác cùng nhau. Nhưng nếu không có sự hỗ trợ rõ ràng từ Mỹ, không có người lãnh đạo thực sự, điều này sẽ là rất khó khăn", một quan chức NATO giấu tên nói bên lề hội nghị ở Munich.
Politico cho biết, bầu không khí của hội nghị Munich năm nay rõ ràng khác biệt so với năm ngoái. Khi đó, Mỹ và các đồng minh đã cam kết đứng về phía Ukraine, quyết tâm giúp Ukraine giành lại lãnh thổ, chuẩn bị cho một cuộc phản công quyết định.
Nhưng khi Ukraine phản công thất bại, không một ai ở Mỹ hay châu Âu và cả ở Kiev, có thể dự đoán những gì có thể xảy đến tiếp theo, theo tờ Politico.
Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, thừa nhận phương Tây đã quá lạc quan vào năm 2023 và bây giờ "đang phải đề phòng về việc bi quan quá mức trong năm 2024".
Một số nghị sĩ Mỹ có mặt ở Munich cũng nêu quan điểm khác, cho rằng Mỹ nên từ bỏ và tập trung cho các vấn đề trong nước. Thượng nghị sĩ J.D. Vance nói ông ủng hộ hỗ trợ Ukraine, nhưng cần nhìn nhận thực tế là vũ khí Mỹ sản xuất không đủ để đáp ứng cho nhu cầu của cả Mỹ và Ukraine.
"Châu Âu cần làm nhiều hơn nữa để giảm bớt gánh nặng cho Mỹ", ông Vance nói tại một sự kiện bên lề ở Munich. Tuy nhiên, hầu hết các nghị sĩ Mỹ đều không muốn rời Munich mà không mang lại hi vọng. Hết lần này đến lần khác, họ bác bỏ ý kiến cho rằng Ukraine đang ở trong tình thế khó có thể đảo ngược.
Nhà Trắng cũng lập luận rằng Ukraine sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu, ngay cả khi không còn nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài. "Ukraine sẽ không dễ gì chịu khuất phục Nga", quan chức Nhà Trắng nhận định, theo tờ Politico.