Phát ngôn "sốc" của ông Trump về đảo Greenland và kênh đào Panama: Không phải chuyện đùa?

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần đây đã đưa ra ý tưởng gây tranh cãi về việc mua đảo Greenland (thuộc Đan Mạch) và đưa kênh đào Panama trở lại thuộc quyền kiểm soát của Mỹ. Những tuyên bố này, dù thoạt nghe tưởng chừng không nghiêm túc nhưng lại chứa đựng những lý do an ninh quốc gia và lợi ích thương mại rõ rệt, theo nhận định của báo Mỹ New York Times (NYT).

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần đây đưa ra tuyên bố tranh cãi liên quan đảo Greenland và kênh đào Panama. Ảnh: Reuters.

Tham vọng mở rộng ảnh hưởng của ông Trump

Trong những ngày gần đây, Donald Trump đã công khai quan điểm về việc Mỹ cần mở rộng tầm ảnh hưởng liên quan lãnh thổ vì lý do an ninh và thương mại. Phát biểu trên mạng xã hội, ông Trump viết: “Vì an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, nước Mỹ cảm thấy rằng việc sở hữu và kiểm soát Greenland là một điều cần thiết tuyệt đối”.

Greenland không chỉ có vị trí chiến lược trong bối cảnh băng ở Bắc Cực tan chảy, mở ra các tuyến đường thương mại và quân sự mới, mà còn sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm quý giá phục vụ công nghệ cao. Cùng với đó, ông Trump cũng lên tiếng chỉ trích Panama về mức phí “cắt cổ” mà nước này áp đặt lên tàu Mỹ qua kênh đào Panama. Ông gọi đó là “sự bóc lột trắng trợn” và cảnh báo có thể rút Mỹ khỏi hiệp ước mà Tổng thống Jimmy Carter từng ký. Hiệp ước chuyển quyền quản lý kênh đào chiến lược Panama cho nước sở tại vào năm 1999.

Lý do ông Trump nhắm tới đảo Greenland

Greenland là một lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch. Đề xuất mua hòn đảo từng được ông Trump đề cập vào năm 2019 nhưng vấp phải sự từ chối quyết liệt từ cả Đan Mạch lẫn Greenland. Lần này, phản ứng từ Thủ tướng Greenland, ông Mute B. Egede, tiếp tục mạnh mẽ: “Greenland là của chúng tôi. Hòn đảo không phải để bán và sẽ không bao giờ bán”.

Dù vậy, chuyên gia Marc Jacobsen từ Trường Cao đẳng Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch cho rằng, người dân Greenland có thể tận dụng sự quan tâm này để tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ. “Mối quan tâm của Mỹ đối với Greenland có thể thúc đẩy đầu tư vào du lịch và khai thác khoáng sản, đất hiếm”, ông Jacobsen nhận xét.

Mỹ xây dựng kênh đào Panama vào đầu thế kỷ 20 nhưng đã trả lại cho nước sở tại vào năm 1999. Ảnh: NYT.

Greenland từ lâu đã có quyền tuyên bố độc lập kể từ năm 2009, nhưng với dân số chỉ khoảng 56.000 người và phụ thuộc tài chính lớn vào Đan Mạch, lãnh thổ này chưa bao giờ chọn con đường đó. Tuy nhiên, sự chú ý từ Mỹ có thể mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho vùng đất vốn luôn lạnh giá này.

Mối lo ngại của ông Trump về kênh đào Panama

Về mức phí đối với tàu thuyền Mỹ đi qua kênh đào Panama, ông Trump cho rằng đó là một “hành vi bóc lột”không thể chấp nhận được. Ông cũng lo ngại kênh đào này có thể rơi vào tay các “thế lực sai trái”, ám chỉ Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là quốc gia có nhu cầu sử dụng kênh đào Panama lớn thứ hai thế giới. Một công ty Hồng Kông (Trung Quốc) đang kiểm soát hai cảng gần kênh đào. Tuy nhiên, Trung Quốc không nắm quyền điều hành trực tiếp kênh đào Panama.

Phản ứng trước tuyên bố của ông Trump, Tổng thống Panama José Raúl Mulino khẳng định: “Mỗi mét vuông của kênh đào đều thuộc về Panama, và điều này sẽ không bao giờ thay đổi. Chủ quyền và độc lập của chúng tôi là bất khả xâm phạm”.

Tầm nhìn chiến lược hay tham vọng khó thành?

Theo NYT, tham vọng kiểm soát đảo Greenland và kênh đào Panama của ông Trump gợi nhớ đến chính sách mở rộng lãnh thổ trong suốt chiều dài lịch sử Mỹ, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Theodore Roosevelt. Trong quá khứ, Mỹ từng nắm quyền kiểm soát Philippines sau chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ, đồng thời xây dựng kênh đào Panama với mục đích chiến lược và thương mại.

Đảo Greenland có vị trí chiến lược trong thương mại và là nơi có nguồn khoáng sản dồi dào. Ảnh: NYT.

Sherri Goodman, cựu quan chức Lầu Năm Góc và chuyên gia tại Viện Wilson Center, nói: “Việc Mỹ mua lại Alaska hay xây dựng kênh đào Panama từng bị xem là điên rồ, nhưng chúng đã mang lại lợi ích chiến lược dài hạn”. Theo bà Goodman, những tuyên bố gần đây của ông Trump về đảo Greenland và kênh đào Panama cũng có thể được hiểu như vậy.

Không chỉ Greenland và Panama, tuyên bố của ông Trump còn làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế về cách tiếp cận khác thường. Khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông Trump từng coi đây là một “nước đi thiên tài” thay vì lên án. Ngay cả trong nỗ lực hòa giải xung đột Ukraine, ông Trump vẫn chưa từng tuyên bố yêu cầu khôi phục toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Dù ý tưởng kiểm soát Greenland và kênh đào Panama của ông Trump gặp phải sự phản đối mạnh mẽ, nhưng những tuyên bố này phản ánh rõ tầm nhìn chiến lược về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Marc Jacobsen nhận xét: “Không phải tất cả mọi người đều xem ý tưởng này là trò đùa. Nó có những cơ sở chiến lược rõ ràng trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế hiện nay”.

Tuy nhiên, tham vọng này cũng đặt ra thách thức lớn về mặt ngoại giao, nhất là khi liên quan đến chủ quyền của các quốc gia khác. Chỉ thời gian mới trả lời được liệu ông Trump có thực sự biến ý tưởng này thành hiện thực hay không.

Nhật Minh - NYT

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN