Phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ, coi chừng nhầm lẫn bị phạt nặng

Nhiều người vẫn chưa phân biệt rõ pháo hoa và pháo hoa nổ, rất dễ vi phạm pháp luật dẫn tới bị xử phạt vào dịp Tết Nguyên đán.

Người dân được đốt pháo hoa nhưng vẫn bị cấm tuyệt đối với sản phẩm pháo hoa nổ. Ảnh minh họa

Nghị định 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 11/1/2021. Nghị định này quy định nhiều trường hợp được bắn pháo hoa gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (trên 18 tuổi, không mắc bệnh tâm thần…).

Bên cạnh đó, Nghị định 137/2020 cũng giải thích rất rõ ràng nhằm giúp người dân phân biệt được pháo hoa và pháo hoa nổ.

Cụ thể: Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, đặc biệt không gây ra tiếng nổ. Ví dụ như loại pháo bông, pháo phụt… cắm trên các bánh sinh nhật.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã cung cấp ra thị trường nhiều loại pháo hoa khác như: giàn phun hoa, giàn phun viên, thác nước bạc, vòng xoay hoa lửa…

Pháo hoa nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Đơn cử như những màn bắn pháo hoa đêm Giao thừa do quân đội bắn.

Nghị định 137/2020 cũng quy định rõ, người dân chỉ được mua pháo hoa từ những tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa thuộc Bộ Quốc phòng. Còn đối với pháo hoa nổ, người dân bị cấm tuyệt đối, không được sản xuất, tàng trữ, buôn bán, sử dụng.

Đối với những trường hợp mua, sử dụng pháo hoa không đúng quy định sẽ bị xử lý theo điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật.

Trường hợp đốt pháo hoa tại nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 138 Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS 2015).

Điều 318 BLHS 2015 quy định: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Hà Giang

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN