Ông Zelensky thay đổi lập trường, tín hiệu từ phương Tây ra sao?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần qua đã có sự thay đổi quan điểm đáng kể trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Zelensky ngỏ ý sẵn sàng chấm dứt nỗ lực giành lại lãnh thổ nếu Ukraine được gia nhập NATO.

Tổng thống Ukraine Volodymyr ngỏ ý sẵn sàng chấp nhận ngừng xung đột nếu nhận được sự đảm bảo an ninh từ NATO. Ảnh: Reuters.

Trước đây, ông Zelensky từng khẳng định Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến giành lại tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát ở Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea.

Tuần trước, ông Zelensky nói sẽ chấp nhận ngừng bắn với Nga nếu các vùng lãnh thổ không có xung đột ở Ukraine được NATO bảo vệ.

Nhưng theo báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ), có hai trở ngại trong lập trường mới của ông Zelensky. Thứ nhất, khả năng Ukraine gia nhập NATO trong tương lai gần là rất thấp. Thứ hai, Nga đang chiếm ưu thế trong xung đột và không dễ gì có thể thuyết phục Nga ngừng tấn công.

Trong vài tháng qua, quân đội Nga tiến công ở miền đông Ukraine nhanh hơn bất cứ giai đoạn nào khác kể từ năm 2022. Nga cũng thể hiện ý chí sẵn sàng tiếp tục cuộc xung đột một cách lâu dài khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã ký duyệt tăng ngân sách quốc phòng lên mức cao nhất trong lịch sử.

Theo ông Zelensky, Ukraine một mặt muốn gia nhập NATO ở các vùng lãnh thổ không có chiến sự, mặt khác sẽ tìm cách đòi lại lãnh thổ mà Nga kiểm soát thông qua các giải pháp ngoại giao.

Đến ngày 1/12, ông Zelensky cũng đưa ra tuyên bố tương tự trên báo Nhật Bản Kyodo News. “Quân đội Ukraine thiếu sức mạnh để giành lại tất cả lãnh thổ”, ông Zelensky nói. “Chúng tôi sẽ phải tìm giải pháp ngoại giao”.

Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Mark Rutte phủ nhận triển vọng Ukraine sớm gia nhập liên minh. “Ưu tiên hiện lại là làm cách  nào để chúng ta có thể cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine”, ông Rutte nói. “Trong khi đó, cây cầu dẫn đến tư cách thành viên NATO của Ukraine vẫn đang được xây dựng thông qua các thỏa thuận an ninh song phương với các nước thành viên và các nỗ lực khác”.

Sự mệt mỏi ngày càng gia tăng

Theo WSJ, sự thay đổi trong lập trường của ông Zelensky phản ánh sự mệt mỏi ngày càng tăng ở Ukraine. Một bộ phận người dân Ukraine mong muốn xung đột sớm kết thúc, bất kể kết quả ra sao.

Các cuộc không kích của Nga đã khiến phần lớn Ukraine rơi vào tình trạng mất điện thường xuyên. Ở tiền tuyến, tình trạng thiếu hụt nhân lực đồng nghĩa Ukraine phải cưỡng ép những người không muốn chiến đấu nhập ngũ.

Một cuộc thăm dò do Gallup công bố vào tháng trước cho thấy 52% người Ukraine ở các vùng không bị xung đột ảnh hưởng, ủng hộ đàm phán chấm dứt chiến tranh "càng sớm càng tốt". Đây là mức tăng đáng kể so với 27% vào năm ngoái. 38% ủng hộ tiếp tục chiến đấu cho đến khi Ukraine giành chiến thắng, giảm từ 63% vào năm ngoái.

Việc Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sắp tái xuất cũng nối lại sự cần thiết của các nỗ lực đàm phán, vì các đồng minh phương Tây không chắc chắn liệu ông Trump có tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho Ukraine hay không và với mức nào.

Phương Tây không hưởng ứng

Theo WSJ, hầu hết các nước phương Tây, bao gồm Mỹ và Đức, đều không ủng hộ viễn cảnh Ukraine sớm gia nhập NATO, dù ông Zelensky ngỏ ý sẵn sàng chấm dứt xung đột.

Theo quan điểm của ông Zelensky, không có tư cách thành viên NATO, Kiev sẽ không có một sự đảm bảo an ninh thực sự để làm tiền đề đàm phán hòa bình với Nga.

Nhưng đối với các nước phương Tây, Ukraine xích lại gần NATO quá nhanh sẽ càng làm gia tăng sự đối đầu với Nga. Moscow đã nhiều lần khẳng định không có ý định xung đột với NATO, nhưng không ngần ngại đáp trả phương Tây nếu xung đột ở Ukraine tiếp tục leo thang.

Đằng sau hậu trường, các quan chức châu Âu hưởng ứng kế hoạch của ông Trump nhiều hơn, dù Tổng thống Mỹ đắc cử chưa chính thức hé lộ công thức hòa bình, chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Đội ngũ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như cũng hiểu được điều này và đang điều chỉnh trọng tâm theo hướng chấm dứt chiến tranh giống như ông Trump mong muốn.

Theo WSJ, châu Âu hi vọng ông Trump có thể thúc đẩy một sự nhượng bộ từ Điện Kremlin để tạo cơ sở Nga – Ukraine nối lại đàm phán.

Mặt khác, các quan chức phương Tây cũng hoài nghi vì khó có thể thuyết phục Moscow đồng ý đàm phán khi Nga vẫn đang thắng thế trên chiến trường.

Nhật Minh - WSJ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN