Ông Zelensky không đạt mục tiêu khi tới Mỹ: Chuyện gì xảy ra tiếp theo với Ukraine?

Mỹ và Ukraine đang xây dựng chiến lược mới cho năm 2024, trong đó Kiev được cho là khó có thể tự đưa ra chiến lược đối phó Nga mà phải phụ thuộc vào Washington, trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chưa thể thuyết phục Quốc hội Mỹ nối lại viện trợ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson hôm 12/12.

Cách đây hơn một năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng khẳng định Washington sẽ hỗ trợ Kiev "đến chừng nào còn cần thiết". Nhưng trả lời họp báo cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 12/12, ông Biden đã thay đổi khi nói Mỹ sẽ hỗ trợ vũ khí và thiết bị cho Ukraine "đến khi nào còn có thể".

Theo CNN, với việc đưa ra tuyên bố khác biệt, ông Biden dường như thừa nhận một thực tế, rằng Mỹ không đảm bảo hỗ trợ Ukraine và đây cũng không phải là cam kết.

Những gì xảy ra tiếp theo đối với Ukraine trong mùa đông được dự báo là hết sức khó khăn, sau khi ông Zelensky không thể thuyết phục các nghị sĩ Quốc hội Mỹ phê duyệt viện trợ.

Theo CNN, giới chức Ukraine và Mỹ đều thừa nhận, Kiev cần thay đổi chiến lược trong năm tới nếu muốn giành lại thêm các vùng lãnh thổ và tạo cơ sở để nối lại đàm phán hòa bình.

Giới chức Ukraine, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov, gần đây đã chủ động đề nghị gặp mặt các quan chức quân đội Mỹ, thừa nhận "có điều gì đó cần thay đổi" trong cách Ukraine phản công Nga, hai quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với CNN.

Đáp lại, quân đội Mỹ đã chỉ định tướng Antonio Aguto, lãnh đạo Nhóm Hỗ trợ An ninh Ukraine, tới Kiev và ở lại trong một khoảng thời gian để làm nhiệm vụ cố vấn cho quân đội Ukraine.

Trước đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngần ngại trong việc để quan chức quân đội ở lại Ukraine vì lo ngại phản ứng từ Nga. Nhưng bây giờ, Mỹ tin rằng sự hiện diện của tướng Aguto giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp giữa Mỹ và Ukraine.

Động thái mới có thể giúp giảm bớt các bất đồng về việc Ukraine nên làm như thế nào để phản công Nga. Mùa hè năm nay, Mỹ muốn Ukraine tập trung hơn vào tiền tuyến ở miền nam, tin rằng khu vực này quan trọng hơn miền đông. Nhưng ông Zelensky và đội ngũ cố vấn không đồng tình.

Mỹ bày tỏ sự thất vọng khi Ukraine liên tục trì hoãn phản công, tạo cơ hội để Nga củng cố phòng tuyến. Hiện tại, Mỹ đã thảo luận với Ukraine về khả năng Kiev chuyển sang tập trung phòng thủ, xây dựng phòng tuyến kiên cố đến mức Nga khó có thể tạo ra thêm bước tiến.

Trong lần thứ ba thăm Mỹ, ông Zelensky chưa thể thuyết phục các nghị sĩ Mỹ tăng viện trợ cho Ukraine.

Nhưng đó không phải giải pháp lâu dài, vì Nga có nguồn lực lớn hơn Ukraine và có thể duy trì xung đột kéo dài còn Ukraine khó có thể duy trì được như vậy.

Gặp ông Zelensky hôm 12/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc người đồng cấp không từ bỏ hi vọng. Ông Zelensky có lý do để thất vọng vì nhà lãnh đạo Ukraine không được chào đón ở Quốc hội Mỹ như cách đây một năm.

Hôm 12/12, các nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn cương quyết buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden giải quyết vấn đề an ninh biên giới của Mỹ trước khi tính đến ngân sách hỗ trợ Ukraine.

Bản thân ông Zelensky cũng thừa nhận thực tế khó khăn. "Tôi đã nhận được những tín hiệu trên cả tích cực. Song chúng tôi phải chờ đợi những kết quả cụ thể, chứ không phải chỉ là lời nói", ông Zelensky nói sau khi gặp các nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Theo CNN, việc củng cố an ninh biên giới của Mỹ, hạn chế làn sóng người di cư tràn sang Mỹ, là vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của ông Zelensky. Trong cuộc trò chuyện với các nghị sĩ, ông Zelensky từ chối nêu quan điểm về vấn đề an ninh biên giới của Mỹ.

Thượng nghị sĩ Markwayne Mullin, đảng viên Cộng hòa Oklahoma, cho biết ông sẽ ủng hộ viện trợ thêm cho Ukraine nếu điều đó gắn liền với chính sách củng cố an ninh biên giới của Mỹ. Theo thượng nghị sĩ Mullin, ông Zelensky không phản đối vấn đề này.

"Chúng tôi đã có những trao đổi. Ông Zelensky hiểu và tôn trọng ưu tiên của Mỹ", ông Mullin nói.

Một số nghị sĩ Mỹ có quan điểm ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, thậm chí còn nêu quan điểm rằng Ukraine cần nhượng bộ lãnh thổ để giải quyết cuộc xung đột với Nga.

"Tôi không nói Ukraine nhượng bộ lãnh thổ là điều tốt. Nhưng chúng ta chưa đạt thêm bước tiến nào dù đã viện trợ cho Ukraine hơn 100 tỷ USD", thượng nghị sĩ J.D. Vance nói sau phiên họp ở Thượng viện vào sáng 12/12.

"Ông Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev vẫn còn vấn đề cần giải quyết. Tôi đánh giá cao điều đó", thượng nghị sĩ Vance nói.

Tuy nhiên, trả lời họp báo cùng ông Biden, ông Zelensky vẫn bác bỏ khả năng Ukraine nhượng bộ lãnh thổ với Nga. 

Nhật Minh - CNN

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN