Ông Dmitry Medvedev – người giữ chức Tổng thống Nga từ năm 2008 – 2012 (ảnh: Reuters)
Bình luận trên Telegram hôm 19/1 (một ngày trước khi đại diện nhiều nước thành viên NATO gặp nhau tại Đức), ông Medvedev cảnh báo, thất bại của một cường quốc hạt nhân có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân.
“Các nhà lãnh đạo quân sự của NATO sẽ thảo luận chiến lược mới, cũng như nỗ lực viện trợ vũ khí hiện đại cho Ukraine trong cuộc họp ngày mai ở Đức. Sự kiện này diễn ra sau Diễn đàn kinh tế Davos – nơi một số người thiếu hiểu biết hô lên rằng ‘chỉ có hòa bình nếu Nga thất bại’”, ông Medvedev viết.
“Nhưng không ai trong số đó nghĩ đến kết quả mà trẻ con cũng có thể đoán được: Thất bại của một cường quốc hạt nhân trong cuộc chiến thông thường có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Không cường quốc hạt nhân nào chịu thua trong những cuộc xung đột ảnh hưởng đến tồn vong. Điều này là dễ hiểu, ngay cả với một số chính trị gia phương Tây chỉ có chút ít thông minh”, ông Medvedev cảnh báo, không giải thích thế nào là “cuộc chiến thông thường”.
Vũ khí hạt nhân được cho là “át chủ bài” giúp Nga răn đe NATO (ảnh: RT)
Theo Reuters, Mỹ và Nga hiện là 2 cường quốc hạt nhân mạnh nhất thế giới hiện nay. Hai nước này nắm giữ khoảng 90% tổng số đầu đạn hạt nhân của thế giới. Ở Nga, Tổng thống Putin được cho là người có quyền quyết định cuối cùng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
NATO được cho là có ưu thế về vũ khí thường so với Nga. Nhưng xét về vũ khí hạt nhân, Nga được cho là có năng lực tấn công cao hơn NATO.
Trong cuộc họp báo hôm 19/1, khi được hỏi rằng liệu những bình luận mới của ông Medvedev có phải dấu hiệu cho thấy xung đột ở Ukraine leo thang hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đáp rằng “không”.
Theo ông Peskov, những nhận xét của ông Medvedev hoàn toàn phù hợp với học thuyết hạt nhân của Nga.
Học thuyết hạt nhân của Nga nêu rõ, nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công trước bằng vũ khí hạt nhân hoặc đối mặt với cuộc tấn công bằng vũ thông thường, nhưng đe đọa đến sự tồn vong của đất nước.
Phát biểu hôm 19/1, ông Peskov cũng cảnh báo khi New York Times (báo Mỹ) dẫn nguồn từ giới chức Washington cho hay, Mỹ có thể hỗ trợ để lực lượng Ukraine tấn công bán đảo Crimea (khu vực Nga tuyên bố sáp nhập từ năm 2014).
“Những cuộc thảo luận về việc cấp vũ khí cho Ukraine để tấn công vào lãnh thổ Nga là cực kỳ nguy hiểm”, ông Peskov nói.
“Kịch bản này đưa xung đột lên một tầm cao mới và sẽ không tốt cho an ninh toàn cầu cũng như châu Âu”, ông Peskov cảnh báo.