Ông Medvedev: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiết lộ "bí mật quân sự"

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tiết lộ mục tiêu thực sự khi hỗ trợ Ukraine là hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói hôm 3/12.

Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ tạo ra lợi nhuận lớn nhờ cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo ông Medvedev, Mỹ khi hỗ trợ lâu dài cho Ukraine không phải vì bảo vệ Kiev hay đối đầu với Nga mà nhằm hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Ông Medvedev đưa ra bình luận sau bài phát biểu của ông Austin tại một diễn đàn quốc phòng ở Mỹ. "Chúng tôi đã triển khai cái gọi là nỗ lực hiện đại hóa tham vọng nhất trong gần 40 năm đối với các cơ sở công nghiệp quốc phòng", ông Austin phát biểu tại sự kiện.

Khoảng 50 tỷ USD ngân sách đã được chi cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, tạo ra thêm hàng chục ngàn việc làm ở 30 bang. Ví dụ như tên lửa đang được đẩy mạnh sản xuất ở Arizona; xe quân sự được sản xuất ở Wisconsin và Indiana; đạn pháo được sản xuất ở in Pennsylvania, Ohio và Texas.

"So với mức chi ngân sách quốc phòng của 5 năm trước, chúng tôi đang đầu tư thêm gần 50% số tiền vào sản xuất đạn dược", ông Austin phát biểu. "Sản lượng đạn pháo Mỹ sản xuất không chỉ tăng lên mà sẽ tăng gấp 4 lần dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden", ông Austin nói.

Ông Medvedev nhận định, ông Austin từng là một tướng quân đội trước khi đảm nhận vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Do đó, những tuyên bố của ông Austin có thể được xem là "thẳng thắn", thậm chí có thể coi là ông Austin đang "tiết lộ bí mật quân sự".

"Là người thẳng thắn và có đầu óc đơn giản, vị tướng này không ngần ngại nêu rõ lý do Mỹ can thiệp vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine", ông Medvedev nhận định, theo RT.

"Mỹ không bị thúc đẩy bởi mong muốn bảo vệ Ukraine hay nhằm đối phó Nga", ông Medvedev đánh giá. "Tất cả chỉ là nhằm tăng cường sản xuất vũ khí quân sự và tạo thêm việc làm, tạo ra lợi nhuận lớn trong lĩnh vực này".

Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ từng trải qua giai đoạn dài phát triển cầm chừng và liên tục đối mặt tình trạng thiếu lao động. Đó là vì chính phủ Mỹ không thể đơn giản yêu cầu các công ty quốc phòng đẩy mạnh sản xuất mà cần ký các hợp đồng và thỏa thuận dài hạn để các công ty này đảm bảo nguồn thu.

Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Mỹ đã chi hơn 100 tỷ USD ngân sách nhằm hỗ trợ Kiev. Hàng chục tỷ USD trong khoản ngân sách này được dùng để chi trả cho các công ty quốc phòng Mỹ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng từng nói rằng, hỗ trợ Kiev chính là hỗ trợ Mỹ vì giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ ở trong nước.

Nhật Minh - RT

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN