Ôm đống nợ hàng chục tỷ, nhà đầu tư khóc ròng vì trót đầu tư bất động sản biển

Không ít nhà đầu tư bất động sản ven biển đứng trước nguy cơ “tán gia bại sản” ôm một đống nợ hàng chục tỷ đồng vì trót vay tiền đầu tư để rồi “vỡ mộng”.

Trong số đó, phải kể đến loạt những nhà đầu tư đang "sống dở chết dở" vì trót “ôm” các bất động sản dự án tại Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Bình,...

Ông Bùi Văn Sơn (Hà Nội), nhà đầu tư đã tham gia thị trường bất động sản Phú Quốc, cho biết, cuối năm 2020, nghe theo một số bạn bè là nhà đầu tư “tay to” ông quyết định đầu tư 6,5 tỷ đồng, để mua 2 lô đất, có tổng diện tích là 180 m2 tại phía Nam đảo (khoảng 36 triệu đồng/m2).

Sau đó khoảng 2 – 3 tháng, có nhà đầu tư khác đề nghị mua lại với giá 7,1 tỷ đồng (tăng 600 triệu đồng). Dù vậy, ông Hùng nhất quyết không bán và kỳ vọng giá đất tăng cao hơn.

Nhiều nhà đầu tư thứ cấp tại Phú Quốc gặp khó vì thị trường BĐS đóng băng

“Từ năm 2018 tôi chứng kiến bạn bè đổi đời khi trúng “sóng” đầu tư BĐS Phú Quốc. Năm 2020, khi nghe ngóng thị trường và các chính sách về kinh tế đang khá tiềm năng nên tôi quyết định gom tiền đầu tư ăn theo. Nhưng do xuất hiện khá nhiều dự án mới, nhà đầu tư cũng ồ ạt rót tiền, lại cộng thêm ảnh hưởng suy thoái hậu Covid-19,... BĐS Phú Quốc đã nhanh chóng bị vỡ bóng.

Do không vay ngân hàng, hiện hai lô đất của tôi vẫn còn đó. Bạn bè của tôi, khá nhiều người cũng đang “ôm” hàng, một số họ cần tiền rao bán giảm cả tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể thanh khoản.  

Anh Hồng Ân, một người tư vấn bất động sản tự do cho biết, thị trường bất động sản tại Phú Quốc nhiều tháng trở lại đây không thực hiện được giao dịch, giá bất động sản tại khu vực phân lô bán nền như Làng Hoa ở ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương giảm mạnh nhưng vẫn không ai mua. Những người kinh doanh và môi giới bất động sản ở Phú Quốc trong tình trạng "cò gãy cánh, nhà đầu tư thở ô xy".

Được biết, giá đất phân lô bán nền tại Phú Quốc có xu hướng giảm mạnh. Theo môi giới bất động sản thì giá đất nền giảm khoảng 45% so với thời kỳ trước đó nhưng bán không ai mua, khiến nhiều nhà đầu tư lâm vào cảnh khốn đốn. Các dự án phân lô bán nền "tự phát" hầu như đang giảm mạnh, không có giao dịch từ nhiều tháng nay.

Các dự án phân lô bán nền "tự phát" tại Phú Quốc giảm mạnh và hầu như không có giao dịch từ nhiều tháng nay

Trong khi đó, giá bất động sản shophouse tại các dự án vẫn ở mức cao như tại một dự án khu vực An Thới có rất nhiều sản phẩm nhà phố liên kế, shophouse, biệt thự song lập, biệt thự đơn lập, căn hộ. Mỗi căn shophouse tại dự án đang được chào bán trên thị trường với giá dao động từ 7,8-23 tỷ đồng/căn.

Diện tích các căn shophouse tại dự án dao động từ 90-120m2 và có giá bán tham khảo trên thị trường từ 80-120 triệu đồng/m2. Đối với sản phẩm biệt thự, townhouse có diện tích từ 160-180m2 và có giá bán từ 50 triệu đồng/m2.

Tại Bãi Trường, theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, nơi này có khoảng 50 dự án đã được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 1.853 ha. Trong đó, có 38 dự án đầu tư ở lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí với tổng diện tích 1.119 ha và 12 dự án khu dân cư đô thị, dịch vụ với tổng diện tích 734 ha.

Trong số các dự án nói trên, chỉ có khoảng 10 dự án lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng đi vào hoạt động, chưa có dự án khu dân cư đô thị nào hoàn thiện.

Mỗi căn condotel tại khu phức hợp Bãi Trường có giá thấp nhất từ 2,7 tỷ đồng đến khoảng 7-8 tỷ đồng. Mỗi căn shophouse thấp nhất 7,9 tỷ đồng, cao nhất 25 tỷ đồng. Biệt thự nghỉ dưỡng có giá dao động bình quân khoảng 22-32 tỷ đồng/căn, tùy vị trí.

Theo nhận định, thị trường BĐS Phú Quốc đóng băng do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản trong nước

Một số chuyên gia về bất động sản ở Phú Quốc nhận định, khu Bãi Trường nói riêng, các khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng khác trên đảo nói chung vắng bóng người, bị bỏ dở dang là do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản trong nước.

Mặt khác, thị trường bất động sản Phú Quốc vốn đã bị đẩy giá tới mức phi thực tế sau nhiều lần sốt giá đất. Đỉnh điểm là đợt sốt giá nhà đất diễn ra từ giữa năm 2018 tới hết năm 2019, giá bất động sản Phú Quốc đã bị đẩy lên hàng chục lần so với giá trị thực nên rất khó để khai thác một cách hiệu quả.

Nhiều ngân hàng lớn tại Phú Quốc như: Vietcombank, Vietinbank, Sacombank, Kiên Long Bank, Techcombankm NCB, HDbank, BIDV... cũng cho hay, nhiều tháng nay ngân hàng không giải ngân đầu tư, mua bán bất động sản vì thị trường này đang đóng băng, giá bất động sản đang nằm ở mức thấp.

Ông Đặng Đức Giới, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản Đặc khu cho biết: Những tháng gần đây, thị trường bất động sản Phú Quốc nằm bất động, nhiều nhà đầu tư phải xoay tiền để trả lãi cũng như đáo hạn ngân hàng, trong khi đất không giao dịch được.

Còn theo dữ liệu của bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Group cho thấy, tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng tại thị trường Phú Quốc đến tháng 6 là hơn 17.600 sản phẩm, gồm cả condotel, shophouse và biệt thự nghỉ dưỡng. Con số này đưa Phú Quốc trở thành thị trường đứng thứ ba về tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng, chiếm 24% tổng tồn kho cả nước, chỉ đứng sau Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo DKRA Group, trong 7 tháng đầu năm nay, phân khúc condotel tại Phú Quốc không ghi nhận nguồn cung mới, giao dịch thứ cấp đóng băng. Tương tự, biệt thự nghỉ dưỡng và shophouse có lượng hấp thụ không đáng kể, thị trường rơi vào trầm lắng.

Thực tế, không chỉ Phú Quốc mà tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Bình, Nha Trang,... sau thời gian ngắn 'sốt' giá, khoảng hơn 1 năm trở lại đây đất ở các nơi này cũng chung cảnh rớt giá, người bán ồ ạt nhưng không có người mua. Nhiều đại gia vỡ nợ, trong khi loạt nhà đầu tư bất động sản đang 'ôm bom'.

Ông Nguyễn Văn Huyên, một người kinh doanh bất động sản lâu năm tại một khu đô thị lớn trên địa bàn quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), cho hay: "Nếu như năm trước người ta tranh nhau mua bán thì nay không có một bóng người đến hỏi mua đất. Từ đầu năm đến giờ có rất nhiều người gửi đất nhờ tôi bán với mỗi lô đất tùy theo vị trí giảm giá 30-40% nhưng không giao dịch được".

Tại khu đô thị sinh thái khác tại quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), mọi giao dịch về đất đai đều dừng lại, hàng ngàn điểm giao dịch tại đây đã đóng cửa. Nhận thấy tình hình đất giảm giá, nhiều chủ đầu tư "bung" hàng nhưng không bán được. Giá mỗi lô đất ở khu vực này cũng giảm gần 1 tỉ đồng so với năm năm trước đó.

Ngoài ra, hàng loạt lô biệt thự, liền kề tại khu vực ven biển Đà Nẵng như đường Nguyễn Tất Thành, Tân Trà, Sơn Thủy... sau một thời gian "sốt" thì nay giá cũng giảm mạnh. Các điểm giao dịch về đất đai ở khu vực ven biển thường rất sôi động nhưng nay vắng tanh, không có người mua.

Quỳnh Chi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN