Ông Andrzej Duda – Tổng thống Ba Lan (ảnh: RT)
Hôm 22/4, trả lời phỏng vấn của nhật báo Fakt (Ba Lan), ông Andrzej Duda – Tổng thống Ba Lan – cho biết, nước này sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với Nga (quốc gia giáp Ba Lan về phía bắc).
“Tôi đã nói về điều này nhiều lần”, ông Duda nói.
“Tôi phải thừa nhận rằng, khi được hỏi về vấn đề đó, tôi đã tuyên bố sẵn sàng”, ông Duda nói thêm.
Ông Duda cho biết, sở dĩ ông mong muốn tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ là bởi “Nga ngày càng đẩy mạnh quân sự hóa” ở vùng Kaliningrad (lãnh thổ Nga giáp Ba Lan và Lithuania).
Ông Duda lưu ý rằng, việc Nga chuyển vũ khí hạt nhân cho Belarus cũng khiến Ba Lan lo ngại.
“Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan, như một phần của kế hoạch nhằm tăng cường an ninh cho sườn phía đông NATO, thì chúng tôi cũng sẵn sàng cho điều đó”, ông Duda nói.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Duda nhấn mạnh, với tư cách là thành viên của khối NATO, Ba Lan có một số nghĩa vụ nhất định. Và về vấn đề tiếp nhận vũ khí hạt nhân, Ba Lan “chỉ thực hiện theo chính sách chung”.
Đáp lại tuyên bố của ông Duda, hôm 22/4, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – cho hay, nếu Mỹ đặt vũ khí hạt nhân ở Ba Lan, quân đội Nga sẽ “thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh nước Nga”.
Hiện Mỹ đã bố trí vũ khí hạt nhân ở 5 nước thành viên NATO, bao gồm Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, theo RT.
Phát biểu hồi tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Nga Putin cho biết, Nga đã triển khai một số vũ khí hạt nhân ở Belarus – đồng minh thân cận của Moscow.
Theo ông Putin, quyết định này nhằm đáp trả việc Anh cung cấp các đầu đạn uranium nghèo cho Ukraine. Ông Putin cũng chỉ ra rằng, Mỹ đã bố trí vũ khí hạt nhân ở khu vực châu Âu suốt nhiều thập kỷ.
Hôm 22/4, phát biểu tại một hội nghị ở Moscow về không phổ biến vũ khí hạt nhân, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo, Nga và phương Tây có nguy cơ đối đầu hạt nhân.
“Phương Tây đang đứng bấp bênh trên bờ vực của một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân, điều có thể gây ra hậu quả thảm khốc. Chúng tôi nhận thấy những rủi ro chiến lược nghiêm trọng, dẫn đến mức độ rủi ro hạt nhân ngày càng gia tăng”, ông Lavrov nói.
Trong bài phát biểu, ông Lavrov cũng chỉ trích sự hỗ trợ quân sự của Mỹ, Anh và Pháp cho Ukraine. Ông Lavrov cảnh báo, hành động của 3 nước này có thể đẩy thế giới đến bờ vực xung đột trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân.
Theo Reuters, Nga và Mỹ cho đến nay là 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nắm giữ khoảng 10.600 trong số hơn 12.100 đầu đạn hạt nhân toàn cầu. Trung Quốc có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3, tiếp theo là Pháp và Anh.