Xôn xao thông tin Pi Network hợp tác với Banxa
Mới đây, trong mục ví (Wallet) của Pi Network được tích hợp thêm tiện ích KYC với Banxa. Với việc hợp tác này, thay vì phải mỏi mòn chờ đợi được xét duyệt đơn KYC, người dùng có thể KYC thành công chỉ trong vòng 5 phút.

Ví của Pi Network được tích hợp thêm tiện ích KYC với Banxa.
Tuy nhiên, để được xét duyệt nhanh chóng, người dùng phải chi ra một khoản phí. Và dĩ nhiên, chỉ những ai có mục đích thật sự mới chấp nhận chi tiền để tham gia sớm. Chẳng hạn sử dụng các tiện ích như Pi ads hoặc cung cấp dịch vụ cho mạng Pi.
Theo một số nhà đầu tư tiền số, Banxa là nền tảng cho phép người dùng mua tiền điện tử bằng tiền tệ pháp định (ví dụ: USD, EUR, VND) thông qua các phương thức thanh toán phổ biến như thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ, chuyển khoản ngân hàng và các tùy chọn khác.
Sự tích hợp này được xem là một bước quan trọng để đạt được mục tiêu của Pi Network về việc chấp nhận toàn cầu, khi nó loại bỏ một số rào cản cản trở người dùng mới tiếp cận đồng Pi.
Mặc dù vậy, vẫn có một số bộ phận người dùng hoài nghi về sự hợp tác giữa Pi và Banxa. Họ cho rằng việc tích hợp Banxa có thể là một phương thức để đội ngũ phát triển Pi Network (PCT) âm thầm thu gom lượng lớn đồng Pi trước khi nó chính thức được niêm yết và giao dịch tự do trên các sàn giao dịch tiền điện tử.
“PCT chơi chiêu này đánh vào sự tin tưởng cộng đồng và hợp tác với Banxa để kiếm lợi nhuận. Hiện tại khu vực Việt Nam chưa cho phép KYC Banxa”, một nhà đầu tư cho hay.
Phản ứng trước thông tin Pi tích hợp thêm tiện ích KYC với Banxa, giá trị đồng Pi tăng trưởng nhanh chóng.
Trưa ngày 5/4, giá Pi trên sàn giao dịch OKX ở đáy 0,44 USD. Đến 17h cùng ngày, Pi tăng mạnh lên 0,74 USD. Lượng thanh khoản cũng vọt lên mức 1,3 - 5,2 triệu đơn vị trong 5 phút.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của pha tăng mạnh nói trên. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tin rằng giá Pi đổi chiều nhờ thông tin dự án này công bố mối quan hệ hợp tác chiến lược với nền tảng Banxa. Một số nhà đầu tư vốn dĩ đã mất niềm tin vào loại tiền số này, nay lại nhen nhóm hy vọng Pi sẽ trở lại đỉnh cũ ở vùng giá 3 USD.

Sau khi bật tăng mạnh, giá Pi Network lùi về mốc 0,5 USD/Pi.
Đáng tiếc, “Pi thủ” tận hưởng niềm vui chưa được bao lâu thì Pi Network đã lại chịu lực bán mạnh, giảm về 0,55 USD rạng sáng ngày 7/4, giảm 16% chỉ trong 24h. Ở mức giá này, vốn hóa của Pi ở mức 3,7 tỷ USD, khối lượng giao dịch đạt 476 triệu USD.
Giá Pi giảm trong bối cảnh thị trường tiền điện tử thế giới ghi nhận một đợt bán tháo mạnh mẽ, nguyên nhân do các nhà đầu tư lo ngại trước chính sách áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sáng 8/4, Pi Network hồi phục nhẹ, giao dịch quanh ngưỡng 0,58 USD/Pi.
Rủi ro khi giao dịch Pi
Cần lưu ý rằng Pi Network vẫn đang trong giai đoạn phát triển, giao dịch đồng Pi có thể gặp rủi ro.
Thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, theo quy định của pháp luật tại Việt Nam, hiện nay tiền ảo nói chung và đồng tiền ảo Pi nói riêng chưa được coi là tài sản.
Những vụ việc, vấn đề phát sinh, tranh chấp liên quan đến các hoạt động giao dịch đồng tiền ảo, tiền số Pi rất rủi ro, khó được pháp luật bảo vệ, xử lý. Đồng thời theo quy định của Ngân hàng nhà nước, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán.
Do đó, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng tiền ảo nói chung, đồng tiền ảo Pi nói riêng vào hoạt động thanh toán thì sẽ bị xử phạt theo khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, được sửa đổi tại điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP (mức phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng) hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 Bộ luật Hình sự về “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Cơ quan chức năng nhấn mạnh tiền số Pi hiện nay chưa có tính ứng dụng thực tế, giá trị hiện nay là tự định giá và làm nhiều người bị hiểu lầm về giá trị thật của đồng tiền ảo này.