Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 19/6, lãi suất tối đa mà ngân hàng áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng chính thức giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm. Còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Ngoài ra, NHNN cũng giảm 0,5 điểm % các loại lãi suất điều hành quan trọng từ ngày 19/6, như lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức, lãi suất tái chiết khấu,...
Ngay sau khi quyết định trên có hiệu lực, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Trong đó, các ngân hàng đều giảm 0,25 điểm % tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống mức trần là 4,75%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng có mức lãi tiết kiệm thấp hơn cả mức trần do Ngân hàng nhà nước quy định. Đông Á Bank đưa mức lãi tiết kiệm kỳ hạn từ 1-3 tháng chỉ còn 4,5%/năm. Ngân hàng Agribank còn giảm 0,5 -0,7 điểm % kỳ hạn dưới 6 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn 1 – 2 tháng xuống còn 3,4%/năm và 3 – 5 tháng xuống mức 4,1%/năm. Trong khi đó, BIDV, Vietinbank, Vietcombank có lãi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng là 4,1%/năm và kỳ hạn 3 tháng là 4,6%/năm, thấp hơn mức trần quy định.
Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi tiết kiệm ở cả kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên khiến lãi tiết kiệm giữa các ngân hàng có sự chênh lệch lớn
Bên cạnh các kỳ hạn dưới 6 tháng, nhiều ngân hàng cũng giảm mạnh lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, VIB giảm 0,5 - 0,6 điểm % với kỳ hạn trên 6 tháng, đưa lãi suất huy động cao nhất về còn 7,5%, áp dụng cho tiền gửi 15 – 36 tháng. Ngân hàng PVComBank cũng giảm 0,5 điểm % tại kỳ hạn trên 6 tháng; trong khi mức giảm tại OCB, Nam A Bank, Bao Viet Bank, Kienlongbank là 0,1 - 0,5 điểm %.
Nhiều ngân hàng thương mại lớn cũng tham gia cuộc đua giảm lãi suất tiết kiệm lần này. Trong đó, ACB giảm 0,4 – 0,6 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn dài, đưa mức cao nhất về còn 6,9%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi trên 6 – 12 tháng với số tiền gửi tối thiểu 5 tỷ đồng.
Ngân hàng VPBank giảm 0,3 điểm % lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất mà ngân hàng này áp dụng là 7,3%/năm cho các kỳ hạn 7 - 9 tháng, theo hình thức gửi tiền online.
Ngân hàng Techcombank giảm 0,25 điểm % tại tất cả các kỳ hạn, đưa lãi suất niêm yết cao nhất về còn 6,9%/năm. Trong khi đó, ngân hàng MB giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động hầu hết kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất huy cao nhất mà MB đang áp dụng là 7,1%/năm dành cho khách hàng khu vực miền Trung và miền Nam gửi tiền kỳ hạn 12 tháng.
Không chỉ giảm sâu lãi tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng, ngân hàng Agribank cũng giảm lãi tiết kiệm kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất huy động cao nhất mà ngân hàng này niêm yết là 6,3% dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Với mức điều chỉnh trên, Agribank hiện có biểu lãi suất huy động thấp nhất hệ thống.
Hiện những ngân hàng có lãi suất cao nhất trên thị trường vẫn là các ngân hàng nhỏ như ABBank, GPBank, OceanBank, SeAbank…với lãi suất niêm yết cao nhất trong khoảng 8 – 8,5%/năm.
Do đó, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn khá đáng kể. Cụ thể, tại kỳ hạn 6 tháng, lãi cao nhất thuộc về ABBank với mức 8,2%/năm, đứng sau là GPBank với lãi tiết kiệm 8,1%/năm. Trong khi đó, Agribank có lãi tiết kiệm chỉ 5%/năm, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cùng có lãi tiết kiệm là 5,5%/năm ở kỳ hạn này. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của một số ngân hàng nhỏ niêm yết khá cao ở mức 7,6 - 8,3%/năm, trong khi đó những ngân hàng quốc doanh lớn chỉ 6,3 – 6,8%/năm.