Người Mỹ nói gì dưới bom đạn Israel ở Lebanon?

Một số công dân Mỹ cho rằng họ bị Washington “bỏ rơi” khi đang mắc kẹt ở Lebanon, dưới làn “mưa bom” của quân đội Israel.

Một người lính cứu hỏa đang làm việc tại địa điểm hứng không kích từ Israel, ở vùng ngoại ô phía nam Beirut (ảnh: Reuters)

Karam (người đề nghị không dùng tên thật) nói với Al Jazeera (báo Qatar) rằng bà cảm thấy mình không được Washington tôn trọng, dù là công dân Mỹ.

Karam cho biết, hôm 30/9, bà đã gọi đến Đại sứ quán Mỹ ở Beirut (thủ đô Lebanon) để yêu cầu hỗ trợ rời khỏi Lebanon, nhưng câu trả lời nhận lại là: Tự tìm cách.

Theo Karam, người Mỹ gốc Lebanon không được Nhà Trắng đối xử công bằng với người Mỹ gốc Israel. Hồi tháng 7/2023, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhanh chóng thuê các chuyến bay đặc biệt để hồi hương công dân Mỹ ở Israel sau cuộc tấn công xuyên biên giới của lực lượng Hamas khiến khoảng 1.200 người tại Israel thiệt mạng.

“Người Mỹ gốc Lebanon bị đối xử tệ hơn người Mỹ gốc Israel. Cứ như thể chúng tôi không tồn tại vậy”, Karam nói.

Từ giữa tháng 9, Israel đã tăng cường không kích vào các “mục tiêu của Hezbollah” ở Lebanon. Hành động quân sự của Israel khiến hàng trăm người ở Lebanon thiệt mạng và hơn 1 triệu người phải di dời, theo Liên hợp quốc.

Ngày 30/9, Israel tuyên bố mở chiến dịch trên bộ “hạn chế” vào miền Nam Lebanon, khiến xung đột với Hezbollah leo thang.

Hôm 2/10, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden cho biết, chuyến bay đầu tiên để sơ tán công dân Mỹ khỏi Lebanon (đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) đã được ký hợp đồng.

Matthew Miller – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ – cho biết, chuyến bay này chở theo 100 công dân Mỹ. Đây chỉ là một phần nhỏ trong số gần 6.000 người Mỹ đã liên hệ với Đại sứ quán Mỹ ở Lebanon để được hỗ trợ sơ tán.

Ông Miller cho biết, Nhà Trắng hy vọng có thể tổ chức nhiều chuyến bay hơn nữa để sơ tán công dân Mỹ khỏi Lebanon.

“Chúng tôi đang nỗ lực cung cấp chỗ ngồi và tìm kiếm chỗ ngồi trên các chuyến bay thương mại hiện có”, ông Miller nói.

Kể từ ngày 23/9, tất cả các hãng hàng không nước ngoài đã hủy chuyến bay đến Lebanon. Middle East Airlines (hãng hàng không của Lebanon) hiện là đơn vị duy nhất có chuyến bay quốc tế rời khỏi Beirut, theo Al Jazeera.

Xe tăng Israel ở biên giới phía bắc, giáp Lebanon (ảnh: AFP)

Middle East Airlines (MEA) cung cấp khoảng 30 chuyến bay/ngày từ Beirut tới các điểm đến ở châu Âu và Trung Đông. Nhưng nỗ lực này là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người nước ngoài muốn rời khỏi Lebanon.

Giá vé máy bay ở Lebanon cũng tăng vọt do khủng hoảng.

Tuần trước, Rashida Tlaib – nữ nghị sĩ đại diện cho cộng đồng người Lebanon ở Michigan (Mỹ) – cáo buộc Washington không bảo vệ được công dân ở nước ngoài.

Theo bà Tlaib, giá vé máy bay thương mại rời khỏi Lebanon đã lên tới “8.000 USD”, nhưng các chuyến bay thì “liên tục bị hủy”.

Bà Karam (công dân Mỹ) đang sống ở khu vực phía đông Beirut, nơi còn khá an toàn ở Lebanon. Nhưng Karam không dám đến thăm con trai ở trung tâm Beirut vì lo sợ các cuộc không kích của Israel.

“Israel nói rằng họ nhắm mục tiêu vào Hezbollah nhưng thực tế lại ném bom khắp nơi”, Karam nói.

“Nhiều người dân vô tội ở miền Nam Lebanon và ở phía nam Beirut đã phải rời bỏ nhà cửa. Tôi không biết họ sẽ phải sơ tán trong bao lâu”, Karam nói thêm.

Kamal Makki – cư dân ở bang Michigan (Mỹ) – cho biết, cha anh (một công dân Mỹ) bị mắc kẹt ở Lebanon suốt nhiều ngày trong khi quốc gia này đang bị ném bom.

Makki cho rằng cha anh không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính phủ Mỹ.

“Đúng, các chuyến bay thương mại có sẵn. Nhưng không phải ai cũng có thể bay. Chỉ một số ít người lên được máy bay và bạn phải chờ xem liệu chuyến bay của mình có bị hủy không”, Makki nói.

Hôm 2/10, cha của Makki đã có thể bay đến Baghdad (thủ đô Iraq) nhưng tiếp tục bị mắc kẹt do các chuyến bay rời khỏi Iraq bị hủy sau vụ Iran phóng hàng chục tên lửa vào Israel (ngày 1/10).

Makki cho rằng chính quyền của ông Biden không đối xử công bằng với người Mỹ gốc Ả Rập.

“Người ta vẫn nói với nhau rằng mạng sống của người Mỹ gốc Ả Rập không quan trọng bằng mạng sống của người Israel”, Makki nói.

Hôm 2/10, một cuộc không kích của Israel ở Lebanon đã khiến Kamel Jawad – cư dân cư trú hợp pháp tại bang Michigan, Mỹ – thiệt mạng.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi lời chia buồn tới gia đình của Kamel Jawad, nhưng cho rằng ông không phải công dân Mỹ.

Gia đình của Jawad cho biết, ông không chỉ cư trú hợp pháp ở Mỹ mà còn là công dân Mỹ.

Nadine – con gái Jawad – cho biết, ông thiệt mạng tại thị trấn Nabatieh (miền nam Lebanon) khi đang giúp đỡ những người già di tản.

Kamel Jawad là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập ở Michigan, theo Al Jazeera.

Vương Quốc - Al Jazeera

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN