Người đàn ông bị nhiễm độc niệu phải lọc máu cả đời: 1 thói quen phổ biến là nguyên nhân hàng đầu

Bệnh thận ngày càng phổ biến ở nam giới, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như liệt dương, xuất tinh sớm…

Ông Lý (Trung Quốc) năm nay 45 tuổi, là tài xế lái xe tải. Năm ngoái, ông thường xuyên cảm thấy không khỏe, mệt mỏi kéo dài, tay chân sưng tấy không rõ nguyên nhân. Thế nhưng, ông chủ quan và cho rằng đó chỉ là dấu hiệu của việc làm quá sức, nghỉ ngơi một chút là sẽ khỏi.

Ảnh minh họa.

Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, ông Lý thấy tay và chân sưng tấy nhiều hơn, ngoài ra còn có thêm triệu chứng đi tiểu khó. Cảm thấy có gì đó không ổn, ông vội vàng đến bệnh viện để kiểm tra và được bác sĩ thông báo bị nhiễm độc niệu.

Khi tìm hiểu nguyên nhân, bác sĩ biết được ông Lý có thói quen nhịn tiểu vì chạy xe tải đường dài quanh năm, lại thích uống nước ngọt thay vì nước lọc, cuối cùng dẫn tới căn bệnh này. Bây giờ, ông Lý chỉ có thể lọc máu để duy trì sự sống nên cảm thấy vô cùng hối hận.

Vì sao thận nam giới dễ bị tổn thương?

Bệnh thận đang ngày càng phổ biến hơn vì những thay đổi trong lối sống của hiện nay. Theo dữ liệu được công bố bởi các học giả từ Trường Y tế Công cộng, Trung tâm Khoa học Y tế thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, tỷ lệ mắc bệnh thận giai đoạn 3, 4 và 5 lần lượt là 1,20%, 0,04% và 0,02%.

Trong một nghiên cứu gần đây cho thấy đàn ông dễ bị tổn thơng thận cấp tính nhiều hơn phụ nữ.

Mới đây, kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế Cell Reports của Đại học Duke, Mỹ cho thấy có sự khác biệt về khả năng sửa chữa tổn thương thận của nam và nữ có liên quan mật thiết đến độ nhạy cảm của tế bào thận đối với bệnh thoái hóa đốt sống. 

Trên thực tế, nguyên nhân khiến nam giới dễ mắc bệnh thận còn liên quan tới nhiều yếu tố như thói quen sinh hoạt không tốt, hút thuốc, uống rượu, thức khuya, áp lực nhiều trong cuộc sống, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi về thể chất và tinh thần, ăn uống không điều độ, ít uống nước…

Thận hư là căn bệnh như thế nào?

Thận hư không hẳn là bị bệnh thận, thận trong Tây y dùng để chỉ các cơ quan ghép đôi nằm ở vùng lưng dưới và thuộc hệ tiết niệu.

Thận hư trong y học Trung Quốc là một khái niệm nói về chức năng, dùng để chỉ các triệu chứng như eo và đầu gối yếu, suy giảm trí nhớ, mất ngủ và lão hóa sớm.

Theo y học cổ truyền Trung Quốc, thận hư được chia thành thận dương hư và thận âm hư.

- Thận dương hư đề cập đến sự suy giảm chức năng cơ thể con người, biểu hiện chủ yếu là giảm ham muốn tình dục, liệt dương và xuất tinh sớm ở nam giới, khó mang thai ở nữ giới, chân tay phù nề, mệt mỏi, hay buồn ngủ, đau và khó chịu ở thắt lưng, ớn lạnh ở chi dưới.

- Thận âm hư có biểu hiện chủ yếu ở nam giới là liệt dương, tiểu đêm, xuất tinh sớm, nữ giới kinh nguyệt ít, ngắt quãng hoặc lâu ngày không có, thể trạng gầy gò, ra mồ hôi trộm khi ngủ, hoa mắt, ù tai, cổ họng khô, khó ngủ.

Những dấu hiệu trên không nhất thiết là suy thận, muốn biết phán đoán có chính xác không cần tới bệnh viện khám và làm xét nghiệm.

Những thói quen huỷ hoại thận

Người bị suy thận ngày càng nhiều, vì thế mỗi người cần tránh những thói quen có hại cho thận, chẳng hạn như 4 điều dưới đây:

- Uống ít nước và nhịn tiểu

Uống ít nước sẽ khiến cơ thể thiếu nước, nước tiểu ít, chất thải và chất độc mang theo trong nước tiểu cũng theo đó mà tăng lên. Ngoài ra, nếu nước tiểu tích tụ trong bàng quang trong thời gian dài dễ khiến vi khuẩn sinh sôi, gây nhiễm trùng đường tiết niệu và cả bệnh tiểu đường.

Một khi vi khuẩn đi ngược niệu đạo lên bàng quang, niệu quản, bể thận sẽ gây viêm bể thận, nếu không được điều trị kịp thời còn có thể dẫn đến bệnh thận mãn tính.

- Ăn nhiều thực phẩm chứa purine

Tiêu thụ purine trong thời gian dài dễ dẫn đến tăng axit uric. Thận là kênh đào thải axit uric ra ngoài, khi lượng axit uric trong cơ thể quá nhiều sẽ hình thành và lắng đọng ở thận, làm tắc ống thận và gây ra sỏi thận axit uric.

Các hợp chất purine, dù được sản xuất trong cơ thể hay do ăn thực phẩm giàu purine đều có thể làm tăng nồng độ axit uric. Axit uric dư thừa có thể tạo ra các tinh thể axit uric, sau đó tích tụ trong các mô mềm và khớp, gây ra các triệu chứng đau đớn của bệnh gút và cả bệnh thận.

Thực phẩm giàu purine bao gồm: Đồ uống có cồn (tất cả các loại), một số loại cá, hải sản và động vật có vỏ, bao gồm cá cơm, cá mòi, cá trích, trai, cá tuyết, sò điệp, cá hồi và cá tuyết chấm đen. Một số loại thịt như thịt xông khói, gà tây, thịt bê, thịt nai và nội tạng như gan, lòng.

Thực phẩm purine vừa phải bao gồm: Các loại thịt như thịt bò, thịt gà, vịt, thịt lợn và giăm bông. Động vật có vỏ như cua, tôm, hàu.

- Thường xuyên thức khuya

Thức khuya hại gan thận cùng lúc, gây ra những tổn thương thận khó phục hồi.

Nghiên cứu cho thấy những người thiếu ngủ có nguy cơ mắc bệnh protein niệu cao hơn đáng kể và suy giảm chức năng thận nhanh hơn so với những người ngủ đủ giấc.

- Lạm dụng thuốc

Không được uống thuốc bừa bãi, bất kể là thuốc Tây y hay thuốc Đông y đều phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn, bởi vì rất nhiều loại thuốc có thể gây tổn thương gan thận, phần lớn thuốc đều được đào thải qua thận. Số liệu cho thấy, có 20% trường hợp suy thận cấp ở người lớn là do thuốc.

Những dấu hiệu bệnh thận cần cảnh giác

Nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bệnh thận hư dưới đây, bạn nên sớm tới bệnh viện kiểm tra.

- Nước tiểu bất thường, tiểu máu, nước tiểu có bọt.

- Mí mắt hoặc phù mặt, phù chi dưới vào buổi sáng.

- Tăng huyết áp, thiếu máu không rõ nguyên nhân.

- Xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, uể oải.

Khi phát hiện những bất thường trong cơ thể và nghi ngờ bệnh thận, bạn nên tới bệnh viện để tiến hành các xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu và siêu âm B.

Xét nghiệm nước tiểu định kỳ có thể phát hiện protein niệu và tiểu máu. Xét nghiệm máu có thể biết các chỉ số creatinine huyết thanh và nitơ urê huyết thanh. Siêu âm B có thể phản ánh kích thước, vị trí và hình dạng của cả hai quả thận, phát hiện khối u trong thận là dạng nang hay rắn.

Trong khi xây dựng lối sống lành mạnh, bạn cũng cần tìm hiểu thêm về sức khỏe của thận để bảo vệ 2 quả thận của mình.

HOÀNG ANH (Theo Aboluowang)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN