Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 23/9.
Nếu phương Tây muốn giải quyết vấn đề Ukraine bằng vũ lực, Nga sẽ phản ứng tương xứng, ông Lavrov nói tại cuộc họp báo sau khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 23/7, theo RT.
“Phương Tây nói rằng muốn Nga bị đánh bại trên chiến trường”, ông Lavrov nhắc lại lập trường của một số nước phươngTây. “Không ai muốn hiểu rõ những gì đang xảy ra trong khi những người hiểu lại không thực sự muốn thể hiện điều đó một cách công khai”.
“Nếu phương Tây muốn giải quyết vấn đề trên chiến trường thì hãy cứ như vậy”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Lavrov gọi phương Tây là “đế chế dối trá”. Bài phát biểu được Ngoại trưởng Nga đưa ra 4 ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu.
Ngoại trưởng Nga cũng cáo buộc Mỹ và các nước đồng minh phương Tây cố gắng “chia thế giới thành các khối thù địch một cách giả tạo”. Đây là chiến thuật nhằm “buộc thế giới phải tuân theo các quy tắc mà Mỹ làm trung tâm”, ông Lavrov nói.
Tại cuộc họp báo, ông Lavrov nói rằng các “công thức hòa bình” liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay được coi là “phi thực tế và mọi người đều biết điều đó”.
Ông Lavrov nói Moscow sẵn sàng thúc đẩy đàm phán nhằm chấm dứt xung đột nhưng loại bỏ khả năng tạm thời ngừng bắn.
Lý do mà ông Lavrov đưa ra là vì “Moscow từng bị đánh lừa một lần liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn”. Tháng 7/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga rút quân khỏi các khu vực gần thủ đô Kiev nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán với Ukraine.
"Để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, quân đội của chúng tôi đã rút khỏi trung tâm Ukraine, khỏi Kiev", ông Putin nói. Tuy nhiên, hai nước khi đó không đạt được thỏa thuận hòa bình và Nga chuyển sang giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Năm 2015, Nga, Ukraine, Pháp và Đức đạt thỏa thuận, trong đó Ukraine ngừng bắn với phe ly khai ở vùng Donbass. Ukraine được cho là sẽ cam kết công nhận quyền tự trị cao của hai vùng ly khai Donetsk và Lungask. Năm ngoái, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng thỏa thuận chỉ là biện pháp kéo dài thời gian để Ukraine tái tổ chức lực lượng.