Nghiên cứu của Harvard: 4 việc cha mẹ nên khuyến khích trẻ làm để thông minh hơn

Trí thông minh của trẻ không phải bất biến, nó có thể thay đổi thông qua các tác động trong cuộc sống hằng ngày.

Ngoài yếu tố bẩm sinh, việc trau dồi chỉ số IQ của trẻ cũng rất quan trọng. Mỗi đứa trẻ có một giai đoạn phát triển não bộ nhanh nhất, vậy giai đoạn này là khi nào?

Theo một nhóm dữ liệu nghiên cứu từ Trường Y Harvard (Mỹ), khi mỗi đứa trẻ sinh ra, bộ não của chúng mới chỉ hoàn thành được khoảng 25% so với giai đoạn phát triển não bộ cuối cùng.

Khi trẻ 5-6 tuổi, não bộ của trẻ đã hoàn thiện được 80% - 85%. Điều đó có nghĩa từ 0-6 tuổi là giai đoạn quan trọng để phát triển trí não.

Trong não người có 140 nghìn tỷ tế bào não, số lượng tế bào não của mỗi người đều giống nhau, nhưng tốc độ sử dụng lại khác nhau. Ai có tốc độ sử dụng tế bào não cao hơn thì thông minh hơn.

Và chính các khớp thần kinh (nơ-ron) kết nối các tế bào não sẽ quyết định tốc độ sử dụng của các tế bào não. Càng nhiều khớp thần kinh, càng nhiều tế bào não được sử dụng và càng ít khớp thần kinh thì càng ít tế bào não được sử dụng.

4 việc làm giúp trẻ trở nên thông minh hơn

Vậy thì việc làm nào có thể khiến các dây thần kinh kích hoạt nhanh và phân nhánh dày đặc để giúp trẻ thông minh hơn?

Câu trả lời là: Tập thể thao, chơi trò chơi, đọc và nói chuyện với trẻ

1. Tập thể dục nhiều hơn và thường xuyên

Trong cuốn sách "Tập thể dục làm thay đổi não bộ" có đề cập đến việc vào năm 1970, John Reddy, phó giáo sư trường Y Harvard đã nghiên cứu mối quan hệ giữa tập thể dục và não bộ.

Sau hơn 20 năm miệt mài nghiên cứu, ông kết luận rằng: "Tập thể dục không chỉ có thể giữ dáng mà còn có thể tăng cường trí não, đồng thời giúp trẻ thông minh hơn”.

Phó giáo sư John Reddy cũng đã ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế và đạt được một số kết quả nhất định.

Ông đã triển khai dự án giáo dục thể chất tại một trường ngoại ô Chicago với 19.000 học sinh. Trung bình 30% học sinh ở Mỹ bị thừa cân nhưng chỉ có 3% học sinh ở trường này bị thừa cân, thấp hơn nhiều so với mức trung bình.

Học sinh của trường này cũng đạt vị trí thứ 6 về Toán học và vị trí thứ 1 về Khoa học và Công nghệ trong dự án quốc tế được tổ chức vào năm 1999 với 23.000 học sinh từ khắp nơi trên thế giới.

Một số trường tiểu học nổi tiếng ở Bắc Kinh, Trung Quốc giao cho học sinh bài tập nhảy dây ở nhà. Vì bài tập này có thể giúp cải thiện trí nhớ.

Chơi bóng bàn cũng là một môn rèn luyện trí não, đồng thời cũng có thể ngăn ngừa cận thị. Ngoài ra, cả bé trai và bé gái đều nên học khiêu vũ để cuộc sống có nhiều màu sắc, đồng thời rèn luyện trí não tốt hơn.

Vậy làm thế nào để tập thể dục trở thành thói quen hằng ngày cho trẻ?

- Cha mẹ nên chủ động dẫn con đi tập thể dục, trẻ càng nhỏ càng thích làm  cùng cha mẹ, vì vậy cha mẹ phải nắm bắt cơ hội giáo dục tốt.

- Sau khi tan học về cho trẻ vận động.

- Khuyến khích trẻ ra ngoài chơi đùa, tập thể dục với bạn bè, điều này có thể giúp trẻ hòa nhập với xã hội đồng thời rèn luyện trí não.

2. Trò chơi là chất dinh dưỡng cho sự phát triển trí não

Hồng Lan là một chuyên gia nổi tiếng về khoa học thần kinh não bộ và tâm lý học thần kinh nhận thức ở Đài Loan. Bà đã đưa ra bằng chứng thực nghiệm trong bài phát biểu rằng: “Khi trẻ em chơi trò chơi, một chất đặc biệt sẽ được sản sinh ra, chất này có thể giúp các dây thần kinh phân chia thành các nhánh, giúp cải thiện IQ của trẻ”.

Khi trẻ chơi đùa cùng với người khác, chúng có thể học cách hòa đồng với những người khác trong các trò chơi tập thể. Nếu đứa trẻ quá hung hăng trong trò chơi, sẽ không có bạn bè nào thích chơi với nó.

Những đứa trẻ lớn lên chỉ chơi game trên điện thoại, máy tính, về cơ bản chúng không biết cách chơi với người khác khi còn nhỏ.

3. Thường xuyên đọc sách

Oleksandrovych Sukhomlynsky Vasyl là một nhà giáo dục người Ukraina từng nói: “Cách để trẻ thông minh không phải là học bù hay tăng lượng bài tập về nhà mà là đọc, đọc và đọc”.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí “Khoa học Tâm lý” (Psychological Science) vào tháng 1/2013 đã kết luận rằng, đọc sách cho trẻ nghe theo cách tương tác có thể làm tăng chỉ số IQ của trẻ lên hơn 6 điểm.

Đọc là cách tiếp thu thông tin nhanh nhất, mắt nhìn được 668 từ một phút, nói nhanh nhất 250 từ một phút và đọc nhanh gấp 3 lần nói.

Theo giáo sư Hồng Lan, nói là bản năng, còn đọc là thói quen. Đọc sách là để trẻ tĩnh tâm và nhìn thế giới một cách sâu sắc, là sự mở rộng vô tận cho sự phát triển trí tuệ của trẻ.

4. Cha mẹ trò chuyện càng nhiều, con cái càng thông minh

Vào tháng 8/2018, một bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng "Khoa học tâm lý" đã khẳng định tác động của khả năng trò chuyện của cha mẹ đối với con cái.

Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Harvard và Đại học Pennsylvania đã phát hiện ra rằng, việc đọc sách ít ảnh hưởng tới não bộ của trẻ hơn là cách cha mẹ tương tác với con cái.

Tần suất trò chuyện hằng ngày giữa con cái và cha mẹ càng nhiều, vỏ não của chúng càng hoạt động tích cực và điểm số sẽ càng được cải thiện.

Việc trò chuyện này không liên quan đến các yếu tố như điều kiện kinh tế gia đình và giáo dục của cha mẹ.

Nhà khoa học Richard Feynman từng đề cập trong cuốn tự truyện "Xin chào, tôi là Feynman" rằng, thành công của ông không thể tách rời khỏi ảnh hưởng của cha mình.

Cha của Feynman là người rất giỏi trong việc giáo dục và khai sáng. Khi Feynman còn nhỏ, mỗi ngày người bố đều trò chuyện với ông dưới nhiều hình thức khác nhau.

Feynman từng nói: "Khi tôi còn nhỏ, tôi thích cha kể cho mình nghe mọi điều".

Có thể nói rằng, khả năng trò chuyện tuyệt vời của cha ông giúp ích rất nhiều cho ông trên con đường nghiên cứu và đạt giải Nobel.

THU HƯƠNG (Theo Sohu)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN