Binh sĩ Mỹ cầm trên tay một quả đạn chuyên dùng cho xe tăng.
Hôm 6/9, Lầu Năm Góc thông báo cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo để sử dụng cho các xe tăng chủ lực Abrams sắp được chuyển tới Ukraine.
"Quyết định của Mỹ về việc cung cấp đạn chứa uranium nghèo cho Ukraine là hành động phi nhân tính", đại sứ quán Nga tại Washington đưa ra tuyên bố, theo đài Al Jazeera. "Với quyết định này, Mỹ không chỉ muốn chiến đấu tới người Ukraine cuối cùng mà còn muốn gây ảnh hưởng cho cả một thế hệ".
Đại sứ quán Nga cho rằng, Mỹ hoàn toàn nhận thức được các rủi ro mà đạn uranium nghèo có thể gây ra nhưng vẫn cung cấp cho Ukraine, bao gồm tạo ra các hạt phóng xạ sau khi sử dụng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người về lâu dài.
Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine để sử dụng cho xe tăng chủ lực Challenger 2. Nhưng không rõ quân đội Ukraine đã sử dụng loại đạn xuyên giáp này trên chiến trường hay chưa.
Đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo không nằm trong danh mục các vũ khí bị cấm theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, việc sử dụng loại đạn này đến nay vẫn còn gây tranh cãi vì các ảnh hưởng đối với sức khỏe con người chưa thể được đánh giá một cách đầy đủ.
Uranium nghèo thích hợp để sản xuất đạn xuyên giáp sử dụng cho xe tăng vì đặc tính dễ cháy. Khi va chạm với mục tiêu cứng như xe bọc thép, uranium nghèo bị biến dạng và bốc cháy do quá trình giải phóng năng lượng nhiệt.
Uranium nghèo sau khi cháy có thể phản ứng với chất ăn mòn trong nước và không khí, tạo thành các hợp chất độc hại có thể xâm nhập cơ thể qua thức ăn và nước uống, dần tích tụ ở các cơ quan như gan, lá lách và thận.
Hôm 6/9, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói đạn uranium nghèo không có tính phóng xạ và không liên quan đến phạm trù vũ khí hạt nhân. "Đây là loại đạn được sử dụng vì khả năng xuyên giáp", ông Kirby nói.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Sabrina Singh nhấn mạnh rằng đạn chứa uranium nghèo là loại đạn tiêu chuẩn được sử dụng cùng với xe tăng của Mỹ. Do Mỹ sắp tới sẽ gửi các xe tăng Abrams đầu tiên tới Ukraine nên Kiev cũng cần được nhận loại đạn này, bà Singh cho biết.
"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Ukraine sẽ sử dụng đạn chứa uranium nghèo một cách có trách nhiệm", bà Singh nói.