Nga chỉ trích tuyên bố của Thủ tướng Đức về thời điểm khôi phục quan hệ kinh tế với Moscow

Bộ Ngoại giao Nga nhắc nhở Thủ tướng Đức về những căng thẳng gần đây giữa hai nước, sau tiết lộ của người tiền nhiệm liên quan đến xung đột ở Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang cố gắng bào chữa cho những chính sách thất bại của mình, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố ngày 14/12, theo RT.

Tuyên bố nhằm đáp trả bài phát biểu của ông Scholz, trong đó Thủ tướng Đức chỉ trích chính sách đối ngoại của Nga và đưa ra suy đoán về tương lai của nước Nga sau khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc.

Hồi đầu tuần, ông Scholz đưa ra bình luận, cho rằng "Nga sẽ cần tới cơ hội khởi động lại hợp tác kinh tế với Đức, nhưng chỉ khi thời điểm phù hợp tới, sau khi Nga thất bại ở Ukraine".

Thủ tướng Đức khẳng định Moscow "không được phép chiến thắng" trong xung đột ở Ukraine.

Bình luận về tuyên bố này của ông Scholz, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Moscow sẽ "không bao giờ đòi hỏi điều gì từ Berlin", nhấn mạnh rằng Thủ tướng Đức nên hiểu rõ vấn đề này.

Ông Scholz đang cố gắng bào chữa "về những chính sách sai lầm dẫn đến khủng hoảng kinh tế như hiện nay ở Đức", Bộ Ngoại giao Nga đưa ra tuyên bố, theo RT. "Ông Scholz phải chịu trách nhiệm về các chính sách đã gây tổn hại đến chính lợi ích của nước Đức".

Nga cũng bày tỏ sự không hài lòng khi ông Scholz đã “không đưa ra bất kỳ quan điểm nào liên quan đến việc người tiền nhiệm Angela Merkel nói rằng Berlin coi thỏa thuận hòa bình Minsk chỉ là cái cớ để Ukraine có thời gian chuẩn bị lực lượng đối phó Nga", báo Nga RT trích dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này.

Sau "Cách mạng Maidan" lập ra chính phủ thân phương Tây ở Ukraine vào năm 2014, hai tỉnh Donetsk và Lugansk thân Nga ở miền đông tuyên bố ly khai.

Kiev đã huy động lực lượng quân sự nhằm dập tắt phong trào ly khai nhưng thất bại. Ukraine sau đó buộc phải ký thỏa thuận hòa bình Minsk với phe ly khai vào năm 2015. Thỏa thuận do Pháp, Đức và Nga làm trung gian.

Nga phát động chiến dịch quân sự vào ngày 24/2/2022, cáo buộc Ukraine không tuân thủ thỏa thuận Minsk, trong đó trao quyền tự trị ở mức cao cho hai tỉnh Donetsk và Lugansk.

Sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9, Nga đã sáp nhập hai tỉnh này cùng tỉnh Kherson và Zaporizhia ở Ukraine.

Nhật Minh - RT

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN