Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Hãng RIA ngày 27/3 đưa tin, Nga cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" nếu Armenia gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), cơ quan gần đây đưa ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Putin.
Armenia, một đồng minh truyền thống của Nga, đang tiến tới tham gia Quy chế Rome và trở thành quốc gia thành viên của ICC. Kế hoạch gia nhập ICC cần được quốc hội Armenia phê duyệt, sau khi được tòa hiến pháp thông qua.
Hãng RIA dẫn một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho hay, kế hoạch trên của Armenia là "không thể chấp nhận được".
Nguồn tin này cho biết, Nga cảnh báo Armenia "về các hậu quả tiêu cực" trong quan hệ song phương nếu đồng minh này tiếp tục kế hoạch đó.
"Moscow xem kế hoạch gia nhập ICC của Armenia là điều không thể chấp nhận trong bối cảnh ICC đưa ra các lệnh bất hợp pháp và vô hiệu về mặt pháp lý với lãnh đạo Nga gần đây", nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
Armenia chưa đưa ra phản ứng về tuyên bố của Nga.
Ngày 17/3, ICC phát lệnh bắt ông Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc trục xuất dân thường là trẻ em ở Ukraine.
Về mặt lý thuyết, nếu ông Putin đến lãnh thổ 123 quốc gia thành viên của ICC, các nước này sẽ thực hiện lệnh bắt giữ mà ICC đưa ra với Tổng thống Nga. Nếu trở thành thành viên ICC, Armenia có thể cũng phải thực hiện điều này khi ông Putin tới Armenia. Tuy nhiên, thực tế, không phải quốc gia thành viên nào của ICC cũng tuân thủ phán quyết của tòa.
Moscow bác bỏ cáo buộc của ICC. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17/3 tuyên bố, Nga "không công nhận thẩm quyền của ICC" và nói rằng lệnh bắt giữ của ICC là "không thể chấp nhận được". Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố lệnh bắt của ICC "không có giá trị pháp lý". Moscow còn cảnh báo mọi âm mưu nhằm bắt ông Putin đồng nghĩa tuyên bố chiến tranh với Nga.
Những tháng gần đây, quan hệ giữa Nga và Armenia có dấu hiệu xấu đi khi Armenia cho rằng Moscow không tuân thủ đầy đủ hiệp ước ngừng bắn năm 2020 (do Nga làm trung gian) nhằm chấm dứt chiến sự ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Theo Reuters, Nga có hiệp ước phòng thủ chung với Armenia, đồng thời là nước xây dựng hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan. Tuy nhiên, việc dồn lực cho xung đột ở Ukraine khiến ảnh hưởng của Nga tại khu vực Nam Caucasus (gồm các nước: Georgia, Armenia, Azerbaijan) vấp phải sự cạnh tranh lớn từ Mỹ, EU và Thổ Nhĩ Kỳ.