NATO nói về lợi thế của Nga

Nga hiện đang chiếm ưu thế trong cuộc chạy đua cung cấp đạn dược, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.

Binh sĩ Ukraine kiểm kê số đạn dược thu được ở Izyum hồi tháng 9/2022.

Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine kéo dài và tiêu hao một lượng lớn nguồn lực, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo rằng phương Tây không nên "đánh giá thấp" ưu thế về hỏa lực và đạn dược của Nga. Ông Stoltenberg nói toàn bộ khối NATO đang đẩy mạnh sản xuất đạn được nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra.

 Trả lời phỏng vấn trên đài CNN, ông Stoltenberg nói Nga đưa một lượng lớn đạn dược và nhân lực tới tiền tuyến, lớn hơn nhiều so với năng lực của Ukraine.

"Mức độ tiêu hao đạn dược của Ukraine cao hơn mức độ mà NATO sản xuất", ông Stoltenberg nói, nhấn mạnh tình trạng hiện tại "không thể tiếp tục kéo dài".

"Hiện tại, chúng ta vẫn đang cung cấp đạn được cho Ukraine từ kho dự trữ, nhưng sẽ đến giai đoạn cần mở rộng sản xuất", ông Stoltenberg trả lời phỏng vấn trên đài CNN.

Bất chấp việc Mỹ đã gửi 1,5 triệu quả đạn pháo kể từ khi xung đột nổ ra, ưu thế về hỏa lực và nguồn đạn dược dự trữ dồi dào là điều Nga vẫn duy trì kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, theo RT.

Quân đội Ukraine hiện chỉ bắn khoảng 5.000 - 6.000 quả đạn pháo mỗi ngày, trong khi Nga được cho là bắn tới 60.000 quả đạn pháo/ngày, theo thống kê của phương Tây.

Ông Stoltenberg kêu gọi các nước thành viên NATO đẩy mạnh sản xuất đạn được để xóa nhòa ưu thế của Nga. Nhà lãnh đạo hàng đầu EU, Josep Borell cũng cảnh báo rằng cần giải quyết vấn đề đạn dược cho Ukraine "trong vài tuần" nếu muốn Kiev có thể đạt bước tiến trên chiến trường.

Kể từ mùa thu năm ngoái, cuộc xung đột ở Ukraine đã trở thành cuộc "chiến tranh tiêu hao", ông Stoltenberg chia sẻ. "Đây là cuộc chiến hậu cần, tập trung vào cách các bên đưa khí tài, đạn dược, nhiên liệu và các vật tư tới tiền tuyến một cách liên tục".

Mặc dù nhấn mạnh rằng NATO cần tăng cường sản xuất vũ khí và đạn được, ông Stoltenberg nói liên minh chưa thể xác định cách xung đột sẽ kết thúc. "Không ai biết khi nào cuộc xung đột này sẽ kết thúc và kết thúc như thế nào. Có lẽ là trên bàn đàm phán", ông Stoltenberg trả lời đài CNN.

Ông Stoltenberg nói NATO không can thiệp vào cách Ukraine định nghĩa "chiến thắng", nhưng không ủng hộ việc Kiev đặt mục tiêu giành lại bán đảo Crimea.

Nhật Minh - RT

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN