Tên lửa đạn đạo ATACMS của Mỹ được thiết kế để phóng từ hệ thống HIMARS.
Mỹ sẽ không theo bước Anh để cung cấp cho Ukraine tên lửa dẫn đường tầm xa vì lý do liên quan đến huấn luyện và bảo trì, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 11/5 cho biết, theo RT.
Ông Blinken đưa ra tuyên bố sau khi Anh xác nhận gửi tới Ukraine tên lửa hành trình Storm Shadow với tầm bắn hơn 250km.
"Các quốc gia khác nhau làm những điều khác nhau dựa trên năng lực của họ", ông Blinken nói trong chương trình truyền hình PBS NewsHour, cho biết Mỹ "đã cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí độc đáo khác thông qua quá trình này".
Ông Blinken nói rằng Washington cần đảm bảo binh sĩ quân đội Ukraine được đào tạo bài bản và có trình độ để vận hành các hệ thống vũ khí tinh vi hơn.
"Nếu họ không biết sử dụng các vũ khí tinh vi thì điều đó sẽ không đem lại nhiều lợi ích", ông Blinken nói. "Nếu họ không biết bảo trì thì vũ khí cũng có thể hỏng chỉ sau 7 ngày".
Hồi tháng 3, đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói Washington sẽ không gửi tên lửa đạn đạo ATACMS với tầm bắn 300km cho Kiev.
Ông Blinken khẳng định Mỹ và các đồng minh "vẫn đang nỗ lực mỗi ngày" cùng với Kiev. "Nếu xảy ra vấn đề, nếu thiếu vũ khí, họ cần nói cho chúng tôi và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giải quyết", ông Blinken nhấn mạnh.
Vũ khí Mỹ thường có chi phí sản xuất đắt đỏ, yêu cầu bảo trì cao hơn các loại vũ khí của quốc gia khác. Ngoài ra, vũ khí do Mỹ sản xuất thường không vận hành một cách độc lập mà cần kết hợp nhiều trang thiết bị với nhau để tạo ra hiệu quả cao nhất.
Tháng 2/2023, tờ Washington Post tiết lộ, quân đội Ukraine nhận tọa độ mục tiêu từ Mỹ khi khai hỏa pháo phản lực HIMARS.
Một quan chức cấp cao Ukraine khi đó xác nhận rằng quân đội nước này hầu như không bao giờ tự khai hỏa HIMARS mà không có tọa độ cụ thể do quân nhân Mỹ cung cấp từ một căn cứ tại châu Âu.
Một ví dụ khác là lựu pháo M777, vũ khí Mỹ sản xuất từng được coi là "vua chiến trường". Nhưng khi được cung cấp cho Ukraine, loại vũ khí này phải hoạt động liên tục với tần suất lớn khiến chúng liên tục hỏng, buộc Mỹ phải mở cơ sở bảo dưỡng ở Ba Lan.
Lựu pháo M777 được chế tạo bằng hợp kim titan, không đảm bảo độ bền khi khai hỏa với tần suất lớn. Năm ngoái, quân đội Ukraine bắn 2.000 - 4.000 quả đạn pháo mỗi ngày, khiến lựu pháo M777 thường xuyên gặp tình trạng đạn không bay đủ xa hoặc thiếu chính xác.