Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller.
"Các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu trong tuần này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói, mô tả đây là “bước phát triển mới theo tuyên bố được G7 đưa ra bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO".
Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ukraine gây chú ý sau khi Andrey Ermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra tiết lộ với truyền thông vào ngày 30/7. Ông Ermak nói Ukraine sẽ nhận được sự đảm bảo về an ninh để "có thể giành chiến thắng" trong xung đột với Nga.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ nói rằng cuộc đàm phán sẽ tập trung vào "những cam kết lâu dài với an ninh cho Ukraine".
"Đây là quá trình riêng biệt, không liên quan đến sự hỗ trợ an ninh mà chúng tôi đang liên tục cung cấp cho Ukraine", ông Miller nói, ám chỉ các gói hỗ trợ quân sự. Mỹ muốn giúp Ukraine "xây dựng quân đội có năng lực răn đe về lâu dài", ông Miller cho biết.
Đây được coi là những sự chuẩn bị trên con đường Ukraine có thể gia nhập liên minh NATO trong tương lai. Tuy nhiên, Mỹ đã nhiều lần khẳng định rằng Ukraine chỉ có thể bắt đầu tiến trình gia nhập NATO sau khi xung đột kết thúc và ông Zelensky cũng thừa nhận điều này.
Những cam kết mà nhóm G7 đưa ra bên lề hội nghị NATO được cho là nhằm bù đắp sau khi liên minh ra tuyên bố chung, trong đó không nêu chính xác thời điểm và điều kiện để kết nạp Ukraine.
Ông Miller nói các cuộc đàm phán Mỹ - Ukraine diễn ra trong tuần này sẽ giải quyết chi tiết “các cam kết an ninh”. Trước mắt, các cuộc đàm phán diễn ra theo hình thức trực tuyến, đầu tiên là ở cấp phó trợ lý bộ trưởng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý rằng bà Victoria Nulandsẽ không tham gia đàm phán do mới đây đã chính thức được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ. Bà Nuland đóng vai trò trong cuộc "Cách mạng Maidan" do Mỹ hậu thuẫn, lật đổ chính phủ Ukraine thân Nga vào năm 2014.
Hồi tháng 5, bà Nuland nói Mỹ sẽ bắt đầu đàm phán về "tương lai lâu dài" cho Ukraine, theo RT.